Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, không nên nhìn nhận khó khăn một cách quá tiêu cực bởi từ nay đến 2015, thị trường đang tự tái cấu trúc, doanh nghiệp đang tự tái cấu trúc, sự đào thải, sàng lọc diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sẽ có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. “Trong hoạ có phúc, việc sàng lọc doanh nghiệp chưa chắc đã phải là tiêu cực, bởi doanh nghiệp yếu kém sẽ đào thải cơ hội dành cho doanh nghiệp mạnh, họ sẽ càng mạnh hơn”.
Các doanh nghiệp cũng nhìn nhận, đây chính là một giai đoạn rất quan trọng bởi vì họ biết, chỉ cần tồn tại được qua giai đoạn khó khăn thì cơ hội hồi phục, phát triển của họ sẽ là rất lớn.
Tiến sĩ Lê Đình Vinh, Phó chủ tịch tập đoàn FLC cho rằng: “Rõ ràng những doanh nghiệp nào tồn tại được sẽ được hưởng thị phần mà các doanh nghiệp khác bỏ lại. Vấn đề là phải quyết tâm vượt qua sóng gió để có cơ hội đó”.
Còn các nhà đầu tư, những người đang bối rối trong hàng nghìn cổ phiếu tốt, xấu lẫn lộn thì cho rằng, quá trình tái cơ cấu, sàng lọc mạnh mẽ sẽ giúp họ phân biệt rõ ràng đâu là rủi ro, đâu là cơ hội và cơ hội sẽ nhiều hơn khi thị trường chứng khoán chỉ còn lại những doanh nghiệp tốt.
“Bởi khi đó, doanh nghiệp vừa có nội lực mạnh sau quá trình vượt khó và vừa nhận được nhiều thuận lợi khi thị phần của họ tăng lên. Thị phần, nguồn vốn sẽ dồn vào cho những doanh nghiệp tồn tại được. Đây là những cơ hội thực sự tốt cho các nhà đầu tư vì thị trường toàn cổ phiếu tốt”, Nhà đầu tư Đoàn Thanh Liêm chia sẻ.
Dự báo chung về kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đều thống nhất: Tăng trưởng kinh tế sẽ ở quanh mức 5,5%, lạm phát sẽ khoảng 7-8%, lãi suất tiền gửi ngắn hạn giảm 1%/năm, nợ xấu đến cuối năm khoảng 4-5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, tất cả còn tùy thuộc vào nỗ lực thực thi các giải pháp đã đề ra của Chính phủ. Như ông Trần Du Lịch có nói trong hội thảo: “Đơn thuốc tốt đã kê rồi, vấn đề là chạy chữa thế nào mà thôi”.
Bình luận (0)