Ông Dominic Mellor, Chuyên gia Kinh tế , Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng: “Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nhất là khi còn có những hạn chế trong vấn đề tài chính và nguồn nhân lực. Chúng ta không thể thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cùng một lúc, một số thành công ban đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách sâu rộng hơn nữa”.
Theo ADB, áp lực lên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng sẽ được giảm bớt với sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên đại diện ADB cũng nhìn nhận, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp được rót vào bất động sản sẽ không phải là động thái mang tính chất xoay chuyển thế cục của thị trường này, mà chỉ có ý nghĩa với một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam phân tích: “Đó sẽ là bước đi tích cực giúp người thu nhập thấp tiếp cận tốt hơn với nhà ở, nhưng nếu đặt vấn đề là 30.000 tỷ này có giải cứu cả thị trường bất động sản thì tôi e là không phải, vì hiện tồn kho bất động sản ở phân khúc cao cấp là rất lớn, cho nên việc tăng nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp sẽ không phải là câu trả lời cho vấn đề của thị trường”.
ADB nhận định, triển vọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được cải thiện nhờ vào cam kết gia tăng đầu tư FDI từ Nhật Bản. Nhưng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh thu hút FDI gia tăng từ các nước ASEAN khác khi mà mốc thời gian hội nhập ASEAN 2015 đang đến gần. Việc duy trì nguồn vốn FDI và đảm bảo năng lực cạnh tranh sẽ phụ thuộc phần lớn vào thành công của các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh.
Bình luận (0)