BOJ thực hiện chính sách mới giúp "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản

Đức Cường (PV Đài THVN thường trú tại Nhật Bản)

04/03/2021 11:24 GMT+7

VTV.vn - Với việc ban hành chính sách mới, mục tiêu của BOJ là góp phần hồi sinh nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực cho các ngân hàng và tổ chức tài chính địa phương.

Trong khi các ngân hàng và tổ chức tài chính địa phương đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ mới để tăng cường năng lực hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính này.

Chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu áp dụng từ ngày 1/3, đối tượng áp dụng sẽ là ngân hàng, tổ chức tín dụng và hợp tác xã tại các địa phương.

Báo Mainichi cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính địa phương tại Nhật Bản, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp địa phương để duy trì hoạt động kinh doanh ngày càng lớn hơn. 

Tuy nhiên, việc cho vay sẽ kèm theo các rủi ro nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện và chính sách hỗ trợ của ngân hàng trung ương đối với các doanh nghiệp và ngân hàng địa phương hết hiệu lực.

BOJ thực hiện chính sách mới giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)

Theo thông tin trên báo Asahi, hiện có đến 30% ngân hàng địa phương có tỷ lệ vốn an toàn giảm xuống dưới mức 8%. Đây là mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu đối với các ngân hàng địa phương tại Nhật Bản. Điều này được cho do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng trong khi lãi suất cho vay ở mức thấp trong thời gian dài khiến lợi nhuận không đáng kể. 

Trước tình hình này, Cơ quan tài chính địa phương đã thúc giục các ngân hàng thực hiện các chính sách mới nhằm tăng cường năng lực hoạt động.

Còn theo thông tin trên báo Kyodo, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra chính sách hỗ trợ mới cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính địa phương, tuy nhiên để nhận được sự hỗ trợ này, các ngân hàng địa phương cần đáp ứng các điều kiện nhất định như lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lên mức 0,1%.

Để đáp ứng điều kiện trên, có khả năng một số ngân hàng địa phương sẽ buộc phải tái cơ cấu, hoặc sáp nhập. Dự kiến, Ngân hàng Fukui và Ngân hàng Fukuho sẽ là hai ngân hàng địa phương đầu tiên thực hiện sáp nhập để có thể đáp ứng các tiêu chí và nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Với việc ban hành chính sách mới, mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là góp phần hồi sinh nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính địa phương.


Tin liên quan

Hạ viện Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2021 cao kỷ lục

Hạ viện Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2021 cao kỷ lục

VTV.vn - Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2021 có giá trị cao kỷ lục hơn 106 nghìn tỷ Yên (khoảng 1.030 tỷ USD)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.