Ngày 14/3, tại hội thảo Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật, ông Nakajima Kazuo, Giám đốc Công ty Brainworks Asia giải thích, kinh tế Nhật chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái thì thảm họa sóng thần và điện hạt nhân xảy ra. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của doanh nghiệp trong nước. Cũng từ thời điểm đó, các nhà tư bản Nhật đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư sang các nước châu Á. Hiện nay thị trường lớn nhất của Nhật ở nước ngoài là Trung Quốc, kế đến là Việt Nam.
Từ năm 2013 trở đi làn sóng doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam hầu hết sẽ là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng số doanh nghiệp Nhật có mặt tại Việt Nam khoảng 1.500 đơn vị. Riêng năm 2012 đã có 220 doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, con số khá ấn tượng và nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở đó.
Hình ảnh cuộc hội thảo (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Để chứng minh cho nhận định này, ông Nakajima Kazuo lấy ví dụ: Công ty phân phối, chuỗi cung ứng hàng hóa nổi tiếng của Nhật - Aeon đã có mặt tại Việt Nam. Đây là nền tảng để các nhà bán lẻ khác từ xứ sở sở mặt trời mọc cũng theo nhau tấn công vào thị trường này. "Doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư mạnh vào các ngành dịch vụ", ông dự báo.
Theo chuyên gia này, Nhật gặp phải vấn đề lão hóa dân số, ít cơ hội kinh doanh nhưng có công nghệ kỹ thuật cao. Trong khi đó, Việt Nam có dân số khá trẻ, cởi mở và nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Các đặc điểm này khiến 2 dân tộc có thể dễ dàng hợp tác cùng phát huy các thế mạnh của nhau.
Hội thảo Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật có hai chuyên đề chính là “Sản phẩm Nhật trên thị trường VN” và “Thế mạnh trong xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp Nhật” nhằm giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nhật. Đến Việt Nam tham gia sự kiện đều là những tập đoàn Nhật lớn, đang hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, hạ tầng, dịch vụ… như Tập đoàn House Food, Tập đoàn Japan Tabacco, Tập đoàn East Japan Railway, Tokyu, Kanematsu… |
Bình luận (0)