Iran loại trừ giải pháp ngoại giao dù Mỹ không muốn chiến tranh với Tehran

Ban Thời sự

23/06/2025 10:30 GMT+7

Ngoại giao không phải là lựa chọn của Iran sau khi Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran - tuyên bố do Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đưa ra hôm 22/6.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi  (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi (Ảnh: AP)

Tehran loại trừ giải pháp ngoại giao sau vụ tấn công của Mỹ

Phát biểu tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định mặc dù cánh cửa ngoại giao luôn rộng mở nhưng "hiện tại thì không phải như vậy".

Ngoại trưởng Iran đồng thời cho rằng nước này bảo lưu mọi lựa chọn để bảo vệ an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Iran cũng cho rằng các hành động quân sự vừa qua cho thấy Mỹ không tôn trọng luật pháp quốc tế và đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ trong quan hệ giữa hai nước.

Quân đội Israel sẽ tiếp tục tấn công Iran

Quân đội Israel hôm 22/6 tuyên bố họ có những mục tiêu khác tại Iran và dự định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự của mình. Quân đội Israel cũng cho biết họ đang đánh giá kết quả của cuộc không kích do Mỹ thực hiện nhằm vào cơ sở hạt nhân Fordow nằm sâu dưới lòng đất của Iran, đồng thời cho rằng còn quá sớm để biết liệu các kho dự trữ uranium đã được làm giàu - có bị phá hủy hay không.

Trước đòn không kích của Mỹ, giới chuyên gia ước tính rằng nếu nhà máy hạt nhân Fordow bị tấn công sau khi hai cơ sở hạt nhân Natanz và Isfahan phần lớn đã bị Israel phá hủy, chương trình hạt nhân của Iran sẽ bị trì hoãn ít nhất 6 tháng, nhiều khả năng là 2 năm và thậm chí có thể lâu hơn.

Các đánh giá ban đầu cho thấy nhà máy Fordow không chỉ bị hư hại hoặc sập cục bộ mà có thể đã bị phá hủy hoàn toàn.

Iran loại trừ giải pháp ngoại giao, Mỹ không muốn chiến tranh với Tehran - Ảnh 1.

Địa điểm làm giàu hạt nhân ngầm của Iran tại Fordow, ngày 19/3/2025 (Ảnh: AP)

Mỹ không muốn chiến tranh với Iran

Bất chấp cuộc tấn công bất ngờ vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Mỹ cho biết nước này không muốn chiến tranh, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.

Phát biểu trước báo giới, ông Hegseth khẳng định Mỹ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho chương trình hạt nhân của Iran. Đây là một chiến dịch thành công, không nhắm vào binh lính hay người dân Iran. Mục tiêu duy nhất là chấm dứt năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Ông Hegseth nhấn mạnh đây là nỗ lực ngầm nhằm ám chỉ với Iran rằng Mỹ không muốn trở thành mục tiêu bị trả đũa trong khu vực. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các cuộc không kích không nhằm thay đổi chính quyền Iran. Ông nói thêm rằng Mỹ đã gửi những tin nhắn riêng tới Tehran khuyến khích họ đàm phán.

Trong khi đó, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định nước này sẽ tự vệ bằng mọi biện pháp cần thiết.

Một số nhà quan sát và chuyên gia Trung Đông nhận định Iran có thể không tiến hành ngay một cuộc tấn công đáp trả công khai vào các căn cứ của Mỹ tại Trung Đông nhằm tránh leo thang quá mức hoặc kích hoạt phản ứng mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Nếu có, theo giới quan sát, Iran có thể tiến hành các đòn tấn công quy mô nhỏ trong vài ngày tới nhắm vào một số căn cứ Mỹ tại Trung Đông.

Quan ngại về hành động tấn công Iran của Mỹ

Nhiều nước vào ngày 22/6 đã bày tỏ lo ngại về hành động Mỹ tấn công Iran .

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân tại Iran, cho rằng quyết định này vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động của phía Mỹ vi phạm nghiêm trọng mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời làm trầm trọng thêm căng thẳng tại Trung Đông.

Iran loại trừ giải pháp ngoại giao, Mỹ không muốn chiến tranh với Tehran - Ảnh 2.

Bụi bẩn trên cơ sở làm giàu Natanz ngầm ở Iran trước khi Mỹ tấn công, ngày 15/6/2025 (Ảnh: AP)

Bộ Ngoại giao các nước Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan cũng cảnh báo rằng tình trạng leo thang nguy hiểm hiện nay trong khu vực có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc ở cả cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa bày tỏ vô cùng lo ngại về tình hình ở Trung Đông, kêu gọi ngoại giao ở tất cả các bên.

Việt Nam quan ngại về xung đột Israel - Iran

Ngày 22/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ tấn công một số cơ sở hạt nhân của Iran vào đêm 21/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình hình xung đột đang leo thang phức tạp tại khu vực Trung Đông, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và an toàn của thường dân, hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động quân sự, trong đó có việc tấn công vào cơ sở hạt nhân, tiếp tục các nỗ lực đàm phán, giải quyết những bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, luật nhân đạo quốc tế và quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)".

Iran loại trừ giải pháp ngoại giao, Mỹ không muốn chiến tranh với Tehran - Ảnh 3.

Các tòa nhà đổ nát sau vụ tấn công bằng tên lửa trực tiếp từ Iran tại Tel Aviv, Israel, ngày 22/6 (Ảnh: AP)

Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình Trung Đông

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong đêm 22/6 đã họp khẩn, thảo luận về các diễn biến tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là tình hình leo thang giữa Iran và Israel, cũng như chương trình hạt nhân của Iran.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng những cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm tại khu vực, đồng thời lên án bất kỳ sự leo thang quân sự nào thêm nữa ở Trung Đông. Ông Guterres lưu ý rằng khu vực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy trả đũa không hồi kết.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố ông sẵn sàng đến Iran để đảm bảo việc sử dụng công nghệ hạt nhân tại nước này vì mục đích hòa bình, đồng thời nhấn mạnh khả năng tăng cường hiện diện của IAEA tại Iran nếu được cho phép.

Iran loại trừ giải pháp ngoại giao, Mỹ không muốn chiến tranh với Tehran - Ảnh 4.Lo ngại leo thang xung đột nguy hiểm ở Trung Đông sau cuộc không kích Iran của Mỹ

Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc trước nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông, sau cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Iran.


Tin liên quan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.