
Khói bốc lên sau cuộc tấn công tại Tehran, Iran. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cơ sở hạt nhân Iran bị hư hại trong cuộc tấn công của Israel
Trong số các tòa nhà bị hư hại có cả khu chưng cất. Một ngày trước đó, IAEA xác nhận lò phản ứng tại đây bị trúng không kích, nhưng không ghi nhận tác động của phóng xạ. Diễn biến này khiến khu vực gia tăng lo ngại về nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
Phản ứng trước vụ tấn công trên, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã lên án hành động của Israel và gọi đây là sự vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an có biện pháp buộc Tel Aviv phải chịu trách nhiệm.
Về phần mình, Israel tuyên bố cuộc không kích nhằm vào cơ sở Arak - hiện được cho là không hoạt động - là một hành động phòng vệ nhằm ngăn chặn khả năng cơ sở này được tái sử dụng vào mục đích phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi sát nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ các cuộc tấn công. Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết các chuyên gia chưa phát hiện bất thường về mức độ phóng xạ tại nước này, nhưng các đội ứng phó đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng.

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Tehran, Iran (Ảnh: THX/TTXVN)
Iran phóng tên lửa vào Israel
Iran vào chiều 20/6 đã phóng ít nhất 25 quả tên lửa đạn đạo trong đợt tấn công mới nhất vào lãnh thổ Israel. Trước đó, còi báo động vang lên trên khắp đất nước Israel, khiến người dân phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo thông tin từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ít nhất hai người đã bị thương nặng ở thành phố Haifa. Tiếng nổ ban đầu được nghe thấy ở miền Bắc và miền Trung Israel. Ngoài hai nạn nhân bị thương nặng - trong đó có một thiếu niên đang trong tình trạng nguy kịch, ít nhất ba người khác bị thương nhẹ tại khu vực miền Bắc.
Quan chức tình báo cấp cao Israel thừa nhận hệ thống Vòm Sắt chỉ đánh chặn được 65% tên lửa mà Iran phóng trong 24 giờ qua. Phát biểu với Đài NBC News ngày 19/6, quan chức tình báo cấp cao Israel thừa nhận tỷ lệ đánh chặn tên lửa trên, so với con số gần 90% của ngày hôm trước.
Quan chức Israel gặp đại diện chính quyền Trump
Trước đó, vào tối 19/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng Tham mưu trưởng IDF Eyal Zamir, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Katz, Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer cùng một số quan chức cấp cao khác đã có cuộc gặp với các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phái đoàn Mỹ bao gồm Phó Tổng thống J.D. Vance và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pete Hegseth.

Một tòa nhà bị trúng tên lửa bắn từ Iran tại Haifa, Israel, ngày 20/6 (Ảnh: AP)
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc khả năng tham gia các cuộc không kích của Israel nhằm vào Iran. Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ đưa ra quyết định trong vòng hai tuần tới về việc liệu Mỹ có tham chiến cùng Israel hay không.
Tàu sân bay Mỹ được triển khai tới khu vực Trung Đông
Trong diễn biến liên quan, 3 tàu sân bay của Hải quân Mỹ dự kiến sẽ được triển khai tới khu vực Trung Đông, cùng với đó là 10 máy bay vận tải quân sự đang trên đường đến các căn cứ của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) trong khu vực.
Ngày 20/6, Bộ Ngoại giao Slovakia thông báo tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Tehran của Iran, đồng thời sẽ sơ tán nhân viên ngoại giao còn lại trong cùng ngày. Trong những ngày gần đây, nước này đã sơ tán hơn 200 công dân và người nước ngoài khỏi Trung Đông thông qua các chuyến bay do chính phủ tổ chức.
Cùng ngày, hãng vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch đã thông báo tạm thời ngừng các chuyến tàu ghé cảng Haifa của Israel để đảm bảo an toàn.

Khói bốc lên từ một tòa nhà của khu phức hợp bệnh viện Soroka sau khi bị trúng tên lửa bắn từ Iran ở Beersheba, Israel, ngày 19/6 (Ảnh: AP)
Châu Âu tìm giải pháp ngoại giao với Iran
Trước tình trạng không kích kéo dài, thương vong chồng chất, châu Âu gấp rút mở lối đối thoại để ngăn Israel và Iran rơi vào vòng xoáy chiến tranh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, Anh, Pháp và người đứng đầu ngành ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) hôm 20/6 đã có cuộc gặp trước thềm cuộc đàm phán trực tiếp với Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi.
Theo các nhà ngoại giao, trong cuộc gặp sắp tới, phía châu Âu sẽ nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Iran, dù Washington đang cân nhắc tham gia các cuộc không kích của Israel nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran.
Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt xung đột tại Trung Đông và ngăn chặn leo thang trong khu vực. Ông tin tưởng các bên có thể đạt được giải pháp ngoại giao trong 2 tuần tới.
Ngoại trưởng Đức tuyên bố Berlin cùng các đối tác châu Âu sẵn sàng nối lại đối thoại với Iran nếu Tehran thể hiện thiện chí rõ ràng trong việc đưa ra cam kết về chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, chính quyền Iran tuyên bố sẽ không thảo luận về tương lai chương trình hạt nhân của nước này trong lúc Israel vẫn tiếp tục tấn công.
Bình luận (0)