Thành phố Hà Nội hiện đang có hàng nghìn căn hộ thuộc nhiều loại hình khác nhau đang trong tình trạng bị bỏ hoang, xây dựng dở dang không có người ở hoặc sử dụng không hiệu quả. Đó có thể là những khu nhà tái định cư, do thiếu vốn chưa thể hoàn thành, hoặc hoàn thành rồi nhưng người dân từ chối chuyển đến do chất lượng công trình xuống cấp. Hay đó là những dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội quá xa trung tâm, hạn chế trong việc đi lại, khiến chỉ lác đác người đến ở.
Trong khi đó, trên thị trường, giá nhà chung cư trung bình tại Hà Nội đã vượt ngưỡng trên 70 triệu đồng/m2. Nhà ở xã hội cũng khan hiếm, số dự án đang triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự đối nghịch này đã khiến các dự án nhà tái định cư bỏ hoang đang trở thành câu chuyện nhức nhối mãi rồi thành quen tại Hà Nội.
Nằm ở nút giao giữa đường Duy Tân và Trần Thái Tông, ngay sát UBND quận Cầu Giấy, dự án nhà tái định cư N01 từng được ví như "mảnh đất vàng" giữa lòng quận Cầu Giấy. Dự án được khởi công từ 2/2011, tuy nhiên đến khoảng năm 2013, do nhiều vướng mắc, dự án kéo dài thời gian thi công đến giữa năm nay, tức là hơn 12 năm bỏ không lãng phí.
"Cá nhân tôi thấy tòa nhà này đã tồn tại ở đây rất lâu rồi, xung quanh đã thay đổi rất nhiều nhưng tòa nhà này vẫn không thấy sự thay đổi gì. Trong khi quỹ đất xung quanh trong nội đô đang ngày càng thu hẹp", anh Nguyễn Trọng Phước, TP Hà Nội chia sẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự chậm trễ hoàn thành. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc thiếu vốn. Để đảm bảo tiến độ dự án, giai đoạn 2011-2015, mỗi năm Ban quản lý đăng ký khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn đó dự án chỉ được bố trí khoảng 27-28 tỷ đồng. Năm như 2013 còn không được bố trí vốn. Khó khăn về vốn khiến dự án thi công cầm chừng suốt nhiều năm.
Ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho hay: "Kế hoạch vốn bố trí cho công trình không đảm bảo tiến độ, dẫn đến việc chậm tiến độ trong giai đoạn 2011 - 2015. Các năm tiếp theo việc bố trí vốn và chậm tiến độ sẽ liên quan đến việc điều chỉnh giá vật liệu, nhân công, chế độ chính sách, cũng như các tiêu chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy. Do vậy quá trình các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, thực hiện các việc điều chỉnh dự án".
Không chỉ dự án NO1, nhiều khu tái định cư khác tại Hà Nội cũng chung cảnh ngộ, như khu tái định cư Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm. Hay khu tái định cư trên đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, dù đã được sơn sửa lại, nhưng nhà vẫn đang đợi người về ở.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự đầu tư xây dựng nhà tái định cư sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô khoảng 2.491 căn hộ. Trong đó có 2 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 600 căn, 7 dự án đang thi công xây dựng.
Hồi sinh các dự án xây dở dang tại Hà Nội

Sau nhiều năm không thể hoàn thành, dự án nhà tái định cư N01, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được tái khởi động, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2026.
Từ những thực tế kể trên, năm 2025, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định mới, trong đó có những nội dung cụ thể về việc xử lý các dự án "treo", nhà bỏ hoang. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động chi tiết. Năm nay được đánh dấu như một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giải quyết tình trạng nhà bỏ hoang tại TP Hà Nội.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và thành phố, một loạt các giải pháp đồng bộ đã được triển khai, mang lại những tín hiệu tích cực cho sự hồi sinh của các dự án từng bị lãng quên.
Sau nhiều năm không thể hoàn thành, dự án NO1, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được tái khởi động vào tháng 5 vừa qua. Công nhân đã quay trở lại hiện trường để dọn dẹp vật liệu cũ, chuẩn bị lắp đặt thiết bị hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện mặt ngoài của tòa nhà. Đến nay khối lượng thi công đã đạt khoảng hơn 90%.
Ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho hay: "Năm 2025 thành phố đã bố trí kế hoạch vốn cho dự án là 71 tỷ đồng. Sau khi được thành phố bố trí vốn, UBND quận đã rất tích cực đôn đốc các đơn vị để tập trung nhân lực, vật lực triển khai thi công. Dự kiến thời gian hoàn thành công trình là hết năm 2025. Bàn giao công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng vào đầu năm 2026".
Dự án tái định cư NO1 quận Cầu giấy có 299 căn hộ, sau khi hoàn thành dự kiến sẽ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 1.200 người dân sinh sống. Còn tại quận Hoàng Mai, 3 tòa nhà tại dự án Khu nhà ở tái định cư Đền Lừ III cũng đang được cải tạo, sữa chữa, "khoác áo mới" để bàn giao cho các hộ dân về ở sau nhiều năm xuống cấp.
"Hiện nay giá nhà đang tăng rất cao so với thực tế khả năng thu nhập của người dân. Chính vì vậy, khi có thêm nguồn cung sẽ tác động tích cực, giúp giải quyết nhu cầu về nhà ở của người dân. Thứ 2, chúng ta cũng đưa các công trình ở những vị trí có tính nhạy cảm vào khai thác sử dụng sẽ đóng góp tích cực, giúp cho cảnh quan đô thị của chúng ta sẽ đẹp hơn, hiệu quả trong khai thác sử dụng", ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội đẩy nhanh việc chuyển đổi công năng Dự án Nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai thành dự án nhà ở xã hội, nhằm chống thất thoát, lãng phí. Dù được khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng tới nay, dự án vẫn nằm im lìm. Trong khi, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội chưa bao giờ hết nóng.
Bình luận (0)