
Dự luật trợ tử dành cho người trưởng thành mắc bệnh giai đoạn cuối vẫn là vấn đề nhiều tranh cãi. Ảnh: Pexels
Ngày 20/6, Hạ viện Anh đã chính thức thông qua dự luật cho phép trợ tử đối với người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, với kết quả biểu quyết sít sao 314 phiếu thuận và 291 phiếu chống sau phiên tranh luận cuối cùng kéo dài khoảng 5 tiếng đồng hồ đầy căng thẳng.
Đây là lần bỏ phiếu thứ 3 và cũng là lần cuối cùng của Hạ viện Anh đối với dự luật trợ tử. Trước đó, dự luật này đã được thông qua về mặt nguyên tắc tại lần họp đọc đầu tiên vào tháng 11/2024. Đây cũng là kết quả của một quá trình tranh luận kéo dài và nhiều bất đồng sâu sắc trong cả Quốc hội và xã hội Anh, vượt qua ranh giới đảng phái và tôn giáo.
Dự luật sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện Anh để xem xét lần cuối trước khi có thể được ban hành thành luật chính thức.
Nội dung dự luật được thông qua nêu rõ những người được chẩn đoán mắc bệnh nan y và chỉ còn dưới 6 tháng để sống có thể lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng việc sử dụng một loại thuốc, với điều kiện họ hoàn toàn minh mẫn để tự quyết định. Quy trình này yêu cầu xác nhận của hai bác sĩ và một hội đồng ba người, thay vì tòa án như dự thảo ban đầu, qua đó tránh tình trạng quá tải hệ thống tư pháp.

Người ủng hộ vui mừng khi dự luật về trợ tử được Hạ viện Anh thông qua, tại London, Anh, ngày 20/6 (Ảnh: AP)
Dự luật trợ tử đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong xã hội Anh.
Những người ủng hộ cho rằng nó mang giúp lại một cái chết ít đau đớn hơn cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y. MC truyền hình nổi tiếng Esther Rantzen - người đang điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối - lập luận rằng việc cho phép trợ tử là quyền tự do cơ bản, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn không cần thiết và tránh việc phải ra nước ngoài để tìm kiếm cái chết nhân đạo.
Hạ nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater - người đệ trình dự luật này vào năm 2024 - nhấn mạnh rằng đây không phải là lựa chọn giữa sống và chết, mà là quyền được quyết định cách ra đi của người bệnh trong những ngày cuối đời.
Trong khi đó, những người phản đối cảnh báo dự luật này có nguy cơ làm giảm giá trị cuộc sống con người, làm suy yếu lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và gây áp lực đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Một số nghị sĩ và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown lại phản đối dự luật trợ tử vì các vấn đề đạo đức và quyền được sống, đồng thời cho rằng việc hợp pháp hóa trợ tử khi chưa đảm bảo hệ thống chăm sóc giảm nhẹ toàn diện là không phù hợp.
Nếu được Thượng viện Anh thông qua, luật trợ tử mới sẽ đưa Anh và Xứ Wales gia nhập nhóm các quốc gia và khu vực cho phép người mắc bệnh giai đoạn cuối được quyền chủ động kết thúc cuộc sống một cách danh dự và không đau đớn
Trên thế giới, một số quốc gia như Australia, Bỉ, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, New Zealand và một số bang ở Mỹ đã công nhận quyền được chết trong những trường hợp đặc biệt.
Bình luận (0)