Hà Nội sẵn sàng cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025

Khánh Nguyễn

22/06/2025 06:00 GMT+7

Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 đã làm việc với Ban chỉ đạo thi thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy

Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy

124.072 thí sinh – lớn nhất cả nước, gần 18.000 cán bộ phục vụ Kỳ thi

Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm 2025, toàn thành phố Hà Nội có 124.072 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 16.000 so với năm 2024. Trong đó, có 2.565 thí sinh theo chương trình GDPT 2006.

Thành phố đã bố trí 233 điểm thi với 5.587 phòng thi. Số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên được điều động lên tới hơn 16.000 người.

Ngoài ra, Công an Thành phố điều động gần 900 chiến sĩ tham gia tại các điểm thi, làm phách, chấm thi. 625 cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại các điểm thi; cùng với đó là 16 - 17 tổ kiểm tra đột xuất và 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ đề thi, bài thi ngoài giờ hành chính.

"Đến thời điểm này, 100% các điểm thi đều đã được kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ kỳ thi", ông Trần Thế Cương cho biết.

Ghi nhận việc Bộ GDĐT ban hành sớm Quy chế và Hướng dẫn đã giúp Sở GDĐT chủ động trong triển khai, tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, việc tổ chức thi theo hai chương trình, với những điểm mới trong chương trình GDPT 2018 khiến giáo viên và thí sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Công tác in sao đề thi phức tạp với nhiều mã đề khác nhau.

"Số lượng bài thi trắc nghiệm rất nhiều khoảng 450.000 bài, thực hiện chấm và xử lý trên hai phần mềm khác nhau. Tuy vậy, thành phố đã tăng cường máy chấm và cán bộ chấm thi nhằm nỗ lực hoàn thành theo đúng lịch quy định", ông Trần Thế Cương cho biết.

Trước việc tổ chức kỳ thi trong tình hình mới, UBND thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, công văn chỉ đạo tổ chức kỳ thi.

Hà Nội sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tại buổi làm việc

Đặc biệt, về công tác ôn tập cho học sinh, Sở GDĐT đã tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong việc dạy và học, ôn thi tốt nghiệp THPT (gọi là hội nghị "Diên Hồng") với các trường THPT/trung tâm GDNN-GDTX có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chưa cao để xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng.

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm"; kêu gọi giáo viên cốt cán hỗ trợ giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh. Tổ chức khảo sát chất lượng với cấu trúc đề thi theo chương trình GDPT 2018 để phân tích, đánh giá và sớm có giải pháp ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Học sinh lớp 12 được học trực tuyến trên truyền hình Hà Nội, qua nền tảng Hà Nội ON. Nhiều tư liệu, tài khoản học tập số được cung cấp miễn phí cho học sinh.

"Đặc biệt, năm nay, Sở GDĐT phối hợp Văn phòng UBND xây dựng Bản đồ số các điểm thi giúp thí sinh định vị, tìm đúng địa điểm thi. Đây sẽ là cẩm nang với các em học sinh và người nhà thí sinh, góp phần ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục hiệu quả", ông Trần Thế Cương chia sẻ.

Công tác tập huấn Quy chế thi được tổ chức đồng bộ, chi tiết. Công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức hơn 8.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh. Các đội hình "xe ôm tình nguyện 0 đồng" giúp thí sinh khó khăn. Hơn 40.000 phần quà, 5.000 bánh, 27.000 quạt tay, 1.350 mũ... được phát miễn phí.

Công tác in sao đề thi được đảm bảo với 95 cán bộ và thiết bị đầy đủ. Vận chuyển, bảo mật đề thi và bài thi được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng Quy chế. Hai khu vực chấm thi được bố trí với hệ thống máy móc hiện đại đáp ứng chấm thi hai chương trình. Gần 800 cán bộ chấm thi làm việc tại khu vực có giám sát camera, bảo vệ 24/24.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng chia sẻ 3 kinh nghiệm của thành phố trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Một là, việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan được thực hiện sớm, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai. Hai là, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bảo đảm thông suốt, đồng bộ, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thông qua công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Ba là, công tác tập huấn được tổ chức kỹ lưỡng, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Quy mô lớn, tổ chức đồng bộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hàng năm, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT là một kỳ thi lớn với nhiều mục tiêu, luôn được Bộ GDĐT cùng các sở, ngành, địa phương chỉ đạo sát sao trong nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm đặc biệt, với số lượng thí sinh dự thi lớn, đồng thời tổ chức cho cả hai chương trình GDPT 2018 và 2006. Quy mô, tính chất, cách thức và yêu cầu của kỳ thi lần này phức tạp hơn so với các năm trước.

Hà Nội sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt lưu ý về phương án ứng phó với thời tiết bất thường

Bộ trưởng cho biết, nhiều yếu tố chuyên môn phức tạp lại trùng với thời điểm sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp, kết thúc hoạt động cấp huyện đúng vào thời điểm tổ chức kỳ thi. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo rất sát sao kỳ thi thông qua các Chỉ thị, công điện từ rất sớm. Ngày 18/6 vừa qua, Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Bộ GDĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra tại địa phương với tinh thần chuẩn bị chu đáo tối đa, dự kiến tất cả các tình huống có thể xảy ra và đề ra phương án cụ thể, nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra đúng mục tiêu, tuyệt đối an toàn và đạt được yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị của thành phố Hà Nội, triển khai công việc theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia, thể hiện sự chu đáo, chuyên nghiệp, dù Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức hơn các tỉnh, thành khác.

Bộ trưởng cũng ghi nhận sáng kiến của Hà Nội trong quá trình tổ chức hỗ trợ học sinh ôn thi, góp phần giảm áp lực luyện thi, dạy thêm, học thêm vất vả, tốn kém. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng chung của toàn ngành trong việc tăng cường khả năng tự học của học sinh và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số nội dung quan trọng về việc tăng cường phương án ứng phó với thời tiết bất thường.

"Tuần tới, khi các ngày thi diễn ra, theo dự báo thời tiết, khả năng cao sẽ có mưa. Do đó, cần dự phòng các tình huống liên quan đến thời tiết, mưa lũ, đặc biệt tại các khu vực trũng, ngập ở cả nội và ngoại thành", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu cần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong chỉ đạo giữa Ban Chỉ đạo thành phố với Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, cũng như với các điểm thi. Mọi vấn đề bất thường phải được báo cáo ngay để xử lý kịp thời.

"Mỗi kỳ thi có những tình huống khác nhau, không năm nào giống năm nào. Vì vậy, cần hết sức lưu ý các phương án dự phòng, phán đoán khả năng xảy ra tình huống, thận trọng trong công tác chỉ đạo, tránh chủ quan và xem nhẹ", Bộ trưởng yêu cầu.

Đồng thời, trong thời gian tổ chức kỳ thi, ngành Giáo dục Thủ đô cũng cần song song triển khai nhiệm vụ của năm học mới, ổn định hoạt động của các trường phổ thông trên địa bàn; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tận dụng trụ sở của các đơn vị cấp huyện, xã phục vụ hiệu quả cho giáo dục, tránh lãng phí…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.