
Từ sáng sớm, cán bộ, công chức và người lao động tại các trụ sở mới đã có mặt đông đủ. (Ảnh: Viết Học)
Sáng nay (1/7), một dấu mốc lịch sử quan trọng được thiết lập khi đất nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây không chỉ là cuộc sắp xếp lại giang sơn mà còn là giai đoạn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị nhà nước, đồng thời thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, để phục vụ nhân dân tốt hơn.


Sáng sớm ngày 1/7, cán bộ, công chức và người lao động tại các trụ sở mới đã có mặt đông đủ. (Ảnh: Viết Học)
Không khí tại các trụ sở làm việc dù vẫn còn chút bỡ ngỡ nhưng tràn đầy những kỳ vọng lớn lao về một giai đoạn phát triển mới. Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo VTV tại các phường Phú Diễn, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, từ sáng sớm, cán bộ, công chức và người lao động tại các trụ sở mới đã có mặt đông đủ. Nhiều người dân cũng tới sớm để trải nghiệm là những công dân đầu tiên trong phường hưởng lợi dịch vụ công.
Mặc dù việc sáp nhập đòi hỏi sự sắp xếp lại về cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự và hợp nhất dữ liệu, song, mọi công tác chuẩn bị tại phường Phú Diễn, Cầu Giấy, Nghĩa Đô được triển khai kỹ lưỡng từ trước. Biển hiệu mới, sơ đồ tổ chức được cập nhật, và đặc biệt là sự sẵn sàng trong tâm thế phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ.

Mọi công tác chuẩn bị được được các phường, xã triển khai từ trước. (Ảnh: Viết Học)
Nhiều người dân đã có mặt từ sớm ở trụ sở phường Phú Diễn để làm các thủ tục hành chính. Hầu hết người dân có chút e ngại, không biết các thủ tục tại phường mới sẽ thực hiện như thế nào, nhưng người dân đều bất ngờ với tinh thần làm việc cởi mở, nhanh nhẹ và hỗ trợ hết mình của các cán bộ.

Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Phú Diễn cũ làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND - UBND phường Phú Diễn mới. (Ảnh: Viết Học)
Được biết, Phường Phú Diễn đã bố trí đầy đủ nhân lực có chuyên môn nhằm hỗ trợ để người dân không phải chờ lâu. Mục tiêu là đảm bảo việc sáp nhập không ảnh hưởng đến quyền lợi, nhu cầu giao dịch hành chính của người dân.
Phường Phú Diễn được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Phú Diễn (thuộc quận Bắc Từ Liêm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Phúc Diễn (thuộc quận Bắc Từ Liêm), phường Mai Dịch (thuộc quận Cầu Giấy); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Cổ Nhuế 1 (thuộc quận Bắc Từ Liêm).

Đoàn Luật sư TP Hà Nội tham gia hỗ trợ phục vụ hành chính công tại nhiều phường, xã từ ngày 1/7 đến ngày 15/7 trên tinh thần sẵn sàng tiếp đón và phục vụ nhân dân. (Ảnh: Viết Học)
Ông Chu Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn chia sẻ: "Cán bộ, công chức tại phường hôm nay rất phấn khởi, vui vẻ khi được cùng nhau gắn kết và làm việc tại một môi trường mới, trên tinh thần thái độ nhiệt tình, phục vụ nhân dân hiệu quả".

Ông Chu Việt Dũng hiện đang là Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn. (Ảnh: Viết Học)
Ông Dũng cho biết thêm, trong thời gian tới phường sẽ chú trọng tổ chức tập huấn, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo từ cấp trên tới cán bộ, công chức trên địa bàn, đồng thời, tăng cường học tập, rèn luyện và thích nghi với môi trường làm việc mới nhằm xây dựng môi trường hành chính phục vụ nhân dân hiệu quả, tương xứng với yêu cầu đặt ra cho chính quyền 2 cấp theo chỉ đạo của trung ương.
Chị Vũ Thị Hiền (39 tuổi) - Người dân (phường Phú Diễn cũ) bày tỏ sự hài lòng sau khi thực hiện thủ tục hành chính chưa tới 30 phút: "Trước khi tới đây, tôi khá lo sợ vì là ngày đầu tiên hoạt động sau khi thay đổi các cơ quan, tuy nhiên sau khi tới đây tôi bất ngờ bởi sự tiếp đón nhiệt tình của cán bộ, đồng thời các thủ tục làm việc được diễn ra khoa học và nhanh chóng".
Phường Cầu Giấy được hình thành từ việc sáp nhập một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Quan Hoa, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, và Yên Hòa. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Cầu Giấy mới được đặt tại trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Cầu Giấy (cũ).


Buổi sáng ghi nhận nhiều người dân đến trụ sở làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Viết Học)
Tại phường Cầu Giấy, các biển hiệu mới và tổ chức sắp xếp phòng, ban được phường chuẩn bị từ trước, sáng hôm nay, nhiều người dân đã lên trụ sở nhận sự hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính.
Ông Trần Quang Bình (70 tuổi, phường Cầu Giấy) bày tỏ niềm tự hào khi đất nước chuyển đổi, thay đổi đi tới những tiến bộ tích cực: "Hôm nay tôi rất vui mừng khi các thủ tục hành chính đã được tinh giản, nhanh gọn, cán bộ phục vụ nhiệt tình, chu đáo".

Ông Trần Quang Bình vinh dự là một trong những công dân đầu tiên tới trụ sở phường để làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Viết Học)
Phường Nghĩa Đô bao gồm toàn bộ phường Nghĩa Tân, một phần từ các phường Cổ Nhuế 1, Mai Dịch, Nghĩa Đô (cũ), Xuân La, Xuân Tảo, và phần diện tích còn lại của Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Quan Hoa.

Thủ tục hành chính tại phường Nghĩa Đô được thực hiện nhanh, gọn. (Ảnh: Viết Học)
Ghi nhận không khí đông đúc tại phường Nghĩa Đô sáng nay, nhiều người dân lựa chọn ngày đặc biệt này để thực hiện những thủ tục hành chính đặc biệt như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, …

Ông Vũ Văn Thành (85 tuổi) , người dân phường Nghĩa Đô. (Ảnh: Viết Học)
Ông Vũ Văn Thành (85 tuổi, người dân phường Nghĩa Đô) cho biết: "Tôi thấy việc làm của Nhà nước rút gọn còn chính quyền 2 cấp là rất phù hợp. Tôi luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước".
Đây là một khởi đầu mới, với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần đồng lòng, các phường tại Hà Nội sau sáp nhập, hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo mới, một chất lượng phục vụ tốt, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.
Từ nay, sự chồng chéo giữa các cấp hành chính được gỡ bỏ, các nguồn lực được phân bổ tập trung và hiệu quả hơn, bộ máy gọn nhẹ hơn nhưng năng động, linh hoạt và phục vụ người dân tốt hơn.
Bình luận (0)