
Điểm phụ vụ hành chính công Tương Mai sáng 1/7/2025.
Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức bộ máy, mà còn là biểu tượng cho khát vọng đổi mới, tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn của chính quyền Thủ đô.
Việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, phường là một phần trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, đồng thời hiện đại hóa nền hành chính công. Với Hà Nội – trung tâm chính trị, hành chính quốc gia – việc đi đầu trong thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp là minh chứng cho vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô trong công cuộc đổi mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định: "Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ Nhân dân tốt hơn".
Không khí ngày đầu
Ngay từ sáng sớm ngày 1/7, tại 126 xã, phường mới của Hà Nội, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nghiêm túc nhưng cũng đầy phấn khởi. Tại phường Yên Sở, Hoàng Mai, Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng…, các cán bộ, công chức, đại diện các chi bộ, tổ dân phố đã có mặt từ 7h30 để thực hiện nghi thức chào cờ và chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên trong mô hình mới, kỳ họp HĐND (lâm thời) phường.
Hà Nội đã bố trí 232 cơ sở nhà, đất làm trụ sở cho 126 xã, phường theo nguyên tắc "một trụ sở tập trung" hoặc "hai trụ sở phân tán" tùy điều kiện cụ thể. Các trụ sở được đầu tư nâng cấp, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ công tác hành chính, tạo điều kiện làm việc chuyên nghiệp cho cán bộ và thuận tiện cho người dân. Điều dễ thấy nhất là trong nguồn kinh phí 500 triệu đồng cho mỗi phường/xã để cải tạo nơi làm việc thì phần lớn đều ưu tiên cải tạo Điểm phục vụ hành chính công, làm sớm nhất và trang bị đồng bộ, khang trang.

Phường Hoàng Mai cải tạo Điểm phục vụ hành chính công khang trang
Một trong những điểm nổi bật của mô hình chính quyền 2 cấp là việc chuyển giao 331 thủ tục hành chính từ cấp thành phố và quận/huyện về cấp xã/phường. Điều này giúp giảm tải cho các cơ quan cấp trên, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Tại phường Yên Sở, người dân đến làm thủ tục hành chính khá đông, ông Trần Văn Bính (Chung cư Pháp Vân) chia sẻ "Tôi rất xúc động khi được là công dân của phường mới. Các cán bộ tại Điểm phục vụ hành chính công Yên Sở làm việc rất nhiệt tình, hướng dẫn tận tình, tạo cảm giác gần gũi và chuyên nghiệp". Tại đây, phường đã mở 5 cửa phục vụ nên trung bình mỗi ngày giải quyết được 80-100 hồ sơ.
Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Xanhvn (phường Tây Hồ) cho biết: sáng nay tôi đi công chứng giấy tờ, một không khí làm việc khác hẳn từ tên gọi Điểm phục vụ hành chính công" đến thái độ làm việc của cán bộ. Chuyển từ "quản lý" sang "Điểm phục vụ hành chính công" là một bước ngoặc của quản trị quốc gia. Vấn đề lớn nhất là phải duy trì được thường xuyên điều này".

Quy tắc phục vụ do MTTQ Lĩnh Nam ban hành
Tại phường Tương Mai, dù mới sáp nhập và có quy mô dân số lớn của Thành phố, các cán bộ vẫn vận hành trơn tru hệ thống tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Các phần mềm quản lý văn bản, thiết bị công nghệ thông tin được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo không xảy ra gián đoạn. Những ngày đầu, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường liên tục có mặt để đôn đốc, kiểm tra và xử lý phát sinh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lĩnh Nam còn xây dựng quy tắc ứng xử "2 không-3 nên- 4 nhớ" để đội ngũ cán bộ, công chức dễ học thuộc, yêu cầu không để gián đoạn, không thờ ơ với nhiệm vụ được giao. Đã lâu lắm rồi, người dân mới thấy một sự "lột xác" từ nhận thức, hành động của bộ máy chính quyền địa phương.
Tâm thế của cán bộ và niềm tin của Nhân dân
Không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức, ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp còn là dịp để đội ngũ cán bộ thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và quyết tâm đổi mới. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Yên Sở Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Là phường chưa có trụ sở, đang tạm ở làm việc tại trụ sở quận Hoàng Mai (cũ) nhưng chúng tôi xác định rõ phương châm phục vụ người dân là ưu tiên hàng đầu. Dù còn nhiều khó khăn ban đầu, nhưng toàn bộ cán bộ phường Yên Sở đều thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm cao".

Phường Hoàng Mai cải tạo Điểm phục vụ hành chính công khang trang
Luật sư Trần Duy Cảnh (Giám đốc Công ty Luật Việt) cho biết: Để đồng bộ với cải cách hành chính, hệ thống pháp luật đã được sửa đổi toàn diện. Các văn bản quan trọng như Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật liên quan đã được Quốc hội sửa đổi và bấm nút một cách gấp rút trước ngày 30/6/2025.
Điều dễ nhận thấy nhất là việc phân cấp thẩm quyền lập pháp địa phương: Chính quyền cấp tỉnh và cấp xã được trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi phù hợp, giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề thực tiễn tại địa phương;
Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Các quy định pháp luật về hộ tịch, đất đai, và xây dựng được sửa đổi để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý, và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý; Tăng cường chức năng giám sát cho người dân: Luật mới quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc công khai, minh bạch thông tin và giải trình trước người dân, đảm bảo quyền giám sát của cộng đồng
Các địa phương đều tích cực áp dụng chuyển đổi: Một số văn bản hướng dẫn được Thành phố ban hành để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi, đặc biệt trong việc cập nhật giấy tờ pháp lý như chứng minh nhân dân, đăng ký sở hữu tài sản (xe, nhà, đất).

HĐND phường Yên Sở xác định, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cán bộ
Những kỳ vọng lớn lao
Dấu ấn ngày đầu triển khai chính quyền 2 cấp tại Hà Nội không chỉ là sự thay đổi về hình thức, mà còn là bước tiến lớn trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, cùng sự đồng thuận của người dân, mô hình này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng, với khí thế, niềm tin và khát vọng cống hiến, chính quyền 2 cấp sẽ vận hành nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước".
Vẫn còn sớm khi đưa ra nhận xét về hiệu quả của sự thay đổi, nhưng có thể khẳng định Hà Nội đã có sự chuẩn bị khá tốt cho mô hình chính quyền 2 cấp. Tại các phường mà phóng viên có mặt, người dân đều ghi nhận và đưa ra nhiều đánh giá tích cực.
Bình luận (0)