Mô hình 9+: Giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"

Nguyễn Hương, Văn Cường

29/06/2020 15:12 GMT+7

VTV.vn - Mô hình đào tạo 9+ được đánh giá là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển, giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2020-2021, các trường THPT công lập của thành phố sẽ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, nghĩa là sẽ có khoảng 29.000 em học sinh trượt lớp 10 công lập. Sĩ số học sinh tăng hàng năm trong khi trường học không xây dựng kịp nên yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS ngày càng cao. Cuộc cạnh tranh vào trường THPT công lập ngày càng gay gắt.

Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Cơ hội này thể hiện rõ ràng qua mô hình đào tạo 9+ - mô hình đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khuyến khích phát triển. Thậm chí, nhiều em học sinh có học lực khá giỏi cũng lựa chọn trường nghề thay vì mô hình học truyền thống.

9 năm liền là học sinh giỏi ở trường chuyên - lớp chọn với điểm tổng kết trên 9, nhưng Gia Huy lại quyết định không thi lớp 10 công lập mà rẽ sang học nghề để không còn áp lực về thứ hạng, điểm số. Dù gặp chút khó khăn khi thuyết phục cha mẹ ủng hộ nhưng cuối cùng, cậu bé vẫn kịp ghi danh vào một trường cao đẳng.

"Em nghĩ là con đường học cấp 3 khá dài đối với em, em lựa chọn con đường này vì tiết kiệm được khá nhiều chi phí, em còn được học nghề mình thích" - em Huỳnh Ngọc Gia Huy (lớp 9, Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Mô hình 9+: Giải quyết tình trạng thừa thầy thiếu thợ - Ảnh 1.

Mô hình đào tạo 9+ được đánh giá là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển, giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Ảnh: Dân trí.

Sáng học lý thuyết và các môn học văn hóa, chiều lại được tham gia vào những tiết thực hành cụ thể, những học sinh đã từng không mấy hứng thú với sách vở, giờ lại say sưa với máy móc, với các phản ứng hóa học.

Em Vũ Minh Quỳnh Hân - học sinh lớp 11, ngành Dược, Cao đẳng Quốc tế TP.HCM cho biết: "Văn hóa bọn em chỉ học 7 môn chính, các môn không cần thiết được giảm bớt nên không áp lực lắm. Em sẽ được học qua các ngành để lựa chọn phù hợp và thực hành rất nhiều".

Theo đánh giá, mô hình học 9+ là cơ hội tốt để các trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh; đồng thời là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển, giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, có hơn 350.000 học sinh tham gia học nghề, trong đó, lượng học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề thay vì học THPT có xu hướng gia tăng. Bởi với những cậu học trò như Huy hay những phụ huynh như chị Hằng (mẹ của Huy), quan niệm về việc chọn trường, chọn nghề đã dần thay đổi, hiện đại và hợp thời hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tin liên quan

Đào tạo lớp 9 lên thẳng cao đẳng - mô hình đào tạo nghề mới mang lợi ích thiết thực cho học sinh

Đào tạo lớp 9 lên thẳng cao đẳng - mô hình đào tạo nghề mới mang lợi ích thiết thực cho học sinh

VTV.vn - Đào tạo lớp 9 lên thẳng cao đẳng là mô hình đào tạo nghề mới đang được Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội xây dựng đề án và sẽ thí điểm trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.