Giá dừa tăng gấp ba lần so với cùng kỳ
Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá dừa hiện vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy chế biến gặp khó vì nguyên liệu không những tăng giá mà còn thiếu hụt.
Hiện dừa khô nguyên liệu đang được thương lái thu mua với giá từ 170.000 - 180.000 đồng/chục (12 trái), có thời điểm lên đến 250.000 đồng - mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/chục. Riêng giá dừa tươi cũng tăng mạnh, hiện đang ở mức 15.000 - 17.000 đồng/trái. Các thương lái cho biết do năm nay thời tiết không thuận lợi, dừa bị mất mùa ở nhiều quốc gia.
Nhà vườn sống khỏe nhờ canh tác dừa sạch
Giá dừa tăng không chỉ phản ánh nhu cầu cao từ thị trường trong và ngoài nước, mà còn là kết quả của quá trình đầu tư bài bản, quy trình kỹ thuật chăm sóc an toàn. Nhờ những yếu tố này nên thương hiệu dừa Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên thị trường thế giới, từ đó mang lại nguồn sinh kế ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân.
20 triệu đồng là số tiền mà ông Khuynh thu về sau khi thu hoạch hơn 1 ha dừa hữu cơ. Ông cho biết, so với nhiều năm trở trước, việc có thu nhập cao và đều đặn mỗi tháng như hiện nay, là điều ông và nhiều bà con trồng dừa chưa bao giờ nghĩ tới.
Ông Trần Văn Khuynh - Xã Hương Mỹ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Giá cả ổn định là được 180.000 đồng, duy trì từ đó đến nay, bà con mình rất phấn khởi".
Bà Trần Thị Diễm Sương - Xã Hương Mỹ, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Bán dừa mới có năm nay là dao động, cao nhất là 220.000 đồng, chứ mấy năm trước cũng có 160.000 đồng một lần. Trên 100.000 đồng là nhà nông sống được".

Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá dừa hiện vẫn duy trì ở mức cao
Nhờ có sự chủ động từ các doanh nghiệp trong việc liên kết với bà con nông dân, ngoài việc tạo nên vùng chuyên canh dừa lớn mà đầu ra cũng được bao tiêu cao, tránh được tình trạng "được mùa rớt giá". Từ đó, người trồng dừa yên tâm sản xuất, còn doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Ông Trần Văn Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre nêu ý kiến: "Ký tiêu dùng cho nông dân một năm cũng được đảm bảo một giá phù hợp, tránh tình trạng thả nổi đôi khi thị trường không thuận lợi, bà con nông dân rất khó khăn do không ai mua, giá cả đạp xuống".
Ông Võ Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long nhận định: "Phải làm sao giúp cho việc liên kết giữa người nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể. Vấn đề nữa là đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp và hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong vấn đề chế biến sâu các sản phẩm từ dừa".
Vĩnh Long sau sáp nhập với Bến Tre và Trà Vinh là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với trên 100.000 ha. Với diện tích rộng lớn, sản lượng mỗi năm đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chế biến, từ đó tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho loại cây này.
Hoàn thiện quy trình canh tác đáp ứng thị trường
Tuy nhiên, việc giá dừa tăng cao cũng kéo theo những vấn đề quan trọng liên quan đến chất lượng và quy trình sản xuất. Để có thể phát triển theo hướng bền vững, việc cần nhìn lại quy trình canh tác là điều rất cần thiết vào lúc này, bởi đây là điều kiện tiên quyết để bà con có thể gắn bó lâu dài với loại cây đa giá trị.
Hạn chế tối đa phân thuốc, không kích thích sinh trưởng… là những tiêu chí mà người trồng dừa như anh Hậu duy trì hơn 5 năm qua.
Tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ, người trồng dừa không chỉ được hỗ trợ về giá cả mà còn tiếp cận được những hướng dẫn về các quy trình canh tác sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU và Hàn Quốc... từ đó nâng cao tỉ lệ cạnh tranh.
Ông Lê Trí Nhân - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đưa ra nhận định: "Vấn đề về nhiễm kim loại nặng hay những vấn đề liên quan về thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi rất quan tâm. Trong quá trình thực hiện, các vật tư đầu vào được kiểm soát rất kỹ lưỡng cũng như theo định hướng của cán bộ kỹ thuật. Từ đây sẽ giúp bà con nông dân yên tâm và giúp cho các doanh nghiệp vững tin khi làm việc với hệ thống khuyến nông".
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây dừa là cây trồng sẽ chống chịu được với vùng đất mặn lợ, vùng đất bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Đồng thời, 1 ha dừa mỗi năm có thể hấp thụ khoảng 75 tấn CO2, cây trồng tiềm năng cho thị trường bán tín chỉ carbon. Do đó, cần có những chính sách quan tâm cho ngành hàng này theo hướng sản xuất xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)