
(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
Số tiền mà GAVI huy động được bao gồm cả nguồn tài trợ quyên góp được tại hội nghị gây quỹ vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Khoản huy động hơn 9 tỷ USD bao gồm nguồn tài trợ mới từ các chính phủ và tổ chức thiện nguyện, cùng phần ngân sách còn lại sau các chương trình phòng chống COVID-19 và hoạt động khác. Gavi cho biết nhiều cam kết tài trợ bổ sung có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Mục tiêu ban đầu của tổ chức này là huy động ít nhất 11,9 tỷ USD cho giai đoạn 2026 - 2030, trong đó riêng hội nghị lần này được kỳ vọng mang lại tối thiểu 9 tỷ USD, chưa tính đến nguồn tiền còn dư sau đại dịch COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Giám đốc điều hành GAVI - bà Sania Nishtar - cho biết phần lớn tổng số tiền là các cam kết mới nhưng không nêu chi tiết.
"Trong thời điểm rất, rất đáng lo ngại đối với sức khỏe toàn cầu, điều này tốt hơn nhiều so với những gì tôi hy vọng" - bà Nishtar nói.
Mỹ không tham gia tài trợ trong đợt quyên góp này. Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr trước đó cho biết Washington sẽ dừng tài trợ cho GAVI do lo ngại vấn đề an toàn vaccine mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Phản hồi về quyết định của Mỹ, GAVI khẳng định vấn đề an toàn vaccine luôn là ưu tiên hàng đầu của tổ chức này. Trước đây, Mỹ từng tài trợ khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho GAVI. Bà Nishtar cho biết tuyên bố từ phía Mỹ là điều đáng tiếc, song GAVI vẫn hy vọng có thể tiếp tục đối thoại với Mỹ.
"Những cắt giảm viện trợ mạnh tay, cùng thông tin sai lệch về độ an toàn của vaccine, đang đe dọa xóa bỏ thành quả mà chúng ta đã gây dựng suốt hàng thập kỷ" - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, dù không nhắc đích danh Mỹ.
Vương quốc Anh là nhà tài trợ lớn nhất, cam kết đóng góp 1,7 tỷ USD. Tiếp theo là Quỹ Gates của tỷ phú Bill Gates với cam kết đóng góp 1,6 tỷ USD.
Chủ tịch Hội đồng GAVI - ông Jose Manuel Barroso - cho biết kết quả đạt được vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đã "nối gót" Mỹ cắt giảm ngân sách viện trợ quốc tế.
GAVI cho biết số tiền huy động được sẽ giúp tiêm chủng cho thêm 500 triệu trẻ em và cứu sống khoảng 8 triệu người trước các căn bệnh nguy hiểm như sởi và bạch hầu trong giai đoạn 2026 - 2030. Liên minh này cũng đang triển khai kế hoạch cải cách, tăng cường hợp tác với các tổ chức y tế toàn cầu và cắt giảm chi phí tại trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sĩ, để ứng phó với tình trạng giảm nguồn tài trợ.
Bà Nishtar cho biết các ngân hàng phát triển đa phương đã cam kết cung cấp 4,5 tỷ USD dưới hình thức cho vay - lần đầu tiên áp dụng cho các chương trình tiêm chủng tại các quốc gia. Ngoài ra, thêm nhiều nhà tài trợ mới cũng đã cam kết đóng góp, bao gồm cả các quốc gia trước đây được GAVI hỗ trợ như Indonesia và Uganda.
"Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng, nếu không đạt đủ mục tiêu, sẽ có những sinh mạng mà chúng ta không thể cứu được" - bà Nishtar nhấn mạnh thêm.
Bình luận (0)