Đường ĐH20 nối Nghệ An - Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng

Ngọc Quân

30/06/2025 05:54 GMT+7

Tuyến đường ĐH20 nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 4km đang hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn tai nạn giao thông, dù địa phương đã nhiều lần chi ngân sách sửa chữa.

Mặt đường bị nứt vỡ, đứt gãy, nhiều vị trí bị sụt lún tạo thành những ổ voi, ổ gà nham nhở. Ảnh Ngọc Quân.

Mặt đường bị nứt vỡ, đứt gãy, nhiều vị trí bị sụt lún tạo thành những ổ voi, ổ gà nham nhở. Ảnh Ngọc Quân.

Một tuyến đường, hàng trăm mối lo

Tuyến đường ĐH20 dài hơn 4km nối huyện Nam Đàn (Nghệ An) sang huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vốn được coi là tuyến giao thông ngắn và thuận tiện nhất giữa hai địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này đang từng ngày xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Đường ĐH20 nối Nghệ An - Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng - Ảnh 1.

Có những đoạn hư hỏng kéo dài cả chục mét, gần hết cả bề ngang mặt đường. Ảnh Ngọc Quân.

Ghi nhận cuối tháng 6/2025, mặt đường bong tróc, dày đặc ổ voi, ổ gà, có nơi kéo dài cả chục mét, chiếm gần hết bề ngang đường. Đặc biệt, đoạn qua xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn – dài khoảng 2km – đang rơi vào tình trạng hư hỏng nặng nề. Lớp bê tông mặt đường bị nứt vỡ, sụt lún, lở loét nham nhở. Mỗi khi trời mưa, tuyến đường này trở thành những “mương nước” nguy hiểm; trời nắng thì bụi mù mịt, gây khó khăn và nguy cơ va chạm cho người tham gia giao thông.

Tuyến đường bị “bức tử” bởi xe trọng tải lớn

Theo phản ánh của người dân, tình trạng xuống cấp bắt đầu trở nên nghiêm trọng kể từ năm 2016, sau khi cầu Yên Xuân (nối xã Long Xá, Hưng Nguyên với xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn) được đưa vào sử dụng. Tuyến kết nối này khiến lưu lượng phương tiện tăng đột biến, đặc biệt là xe tải trọng lớn, trong đó có nhiều xe “hai khúc” biển Lào chở quặng với tổng trọng tải hàng chục tấn.

Đường ĐH20 nối Nghệ An - Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng - Ảnh 2.

Mùa nắng bụi bặm, mưa gió trên đường chi chít vũng nước sâu, kéo dài. Ảnh Ngọc Quân.

Đáng nói, đây vốn là đường huyện, mặt đường hẹp, thiết kế không đáp ứng được khối lượng vận tải lớn. Việc xe quá tải hoạt động ngày đêm không chỉ “bào mòn” mặt đường mà còn đẩy người dân vào cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi di chuyển.

Anh Nguyễn Văn Chung, người dân xã Trung Phúc Cường, cho biết: “Đường hư hỏng nên đi lại rất khổ. Xe tải lớn đi dàn kín cả mặt đường, rất nguy hiểm. Chúng tôi vẫn phải đi vì đây là tuyến ngắn nhất sang Hà Tĩnh, nhưng mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp”.

Xe “hai khúc” biển Lào – thường là xe rơmoóc kéo dài, chở hàng nặng – không chỉ chiếm diện tích lớn mà còn khiến các phương tiện nhỏ gặp khó khi tránh né. Trong điều kiện mặt đường sụt lún, trơn trượt, nguy cơ tai nạn giao thông luôn hiện hữu.

Đường ĐH20 nối Nghệ An - Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng - Ảnh 3.

Các phương tiện vận tải cỡ lớn vẫn thường xuyên đi lại suốt ngày đêm. Ảnh Ngọc Quân.

Ngân sách nhỏ vá tạm lớn – Trách nhiệm thuộc về ai?

Chính quyền xã Trung Phúc Cường cho biết, địa phương đã nhiều lần chi ngân sách để duy tu tuyến đường này. Năm 2024, huyện Nam Đàn đã chi 1,2 tỷ đồng để sửa chữa, nhưng chỉ sau 6–7 tháng, đường lại hư hỏng như cũ. Gần đây, xã tiếp tục chi thêm 40 triệu đồng để khắc phục tạm thời, song hiện trạng vẫn không cải thiện.

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, thẳng thắn: “Thiết kế chịu tải của tuyến ĐH20 không đáp ứng được xe cỡ lớn. Trong khi đó, các phương tiện này vẫn đi lại suốt ngày đêm, khiến việc tu sửa chỉ như ‘muối bỏ biển’”.

Đường ĐH20 nối Nghệ An - Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng - Ảnh 4.

Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Ảnh Ngọc Quân.

Câu hỏi đặt ra là: với đặc điểm tuyến đường liên tỉnh, phương tiện từ tỉnh khác (thậm chí biển số nước ngoài) lưu thông thường xuyên, thì vì sao trách nhiệm duy tu và kiểm soát tải trọng lại dồn lên vai chính quyền cấp xã, huyện? Cơ quan nào giám sát hoạt động của xe quá tải? Vì sao không có biển báo hạn chế tải trọng?

Khi các tuyến đường địa phương phải gánh chịu hậu quả do lưu lượng liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia gây ra, nhưng lại thiếu sự phối hợp và trách nhiệm từ cấp cao hơn, thì những khoản chi chắp vá sẽ mãi chỉ là sự lặp lại tốn kém.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.