Số hóa nghệ thuật truyền thống

Bích Thủy, Duy Công

12/08/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Công nghệ số đã đem đến những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống một cách rất trẻ.

Ngày càng có nhiều dự án số hoá các dữ liệu văn hoá nghệ thuật truyền thống, từ đó làm giàu hơn kho tài nguyên trong lĩnh vực này.

Những hình ảnh trong Dự án số hoá dữ liệu về làng nghề Việt từ thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất chân dung nghệ nhân..., là tâm huyết của một nhóm sinh viên chuyên ngành truyền thông say mê văn hoá Việt.

Bạn Huỳnh Quốc Thắng - sinh viên Đại học RMIT Việt Nam - bày tỏ: "Mong muốn của chúng em là có thể dùng công nghệ để lưu giữ các tư liệu về làng nghề, những thứ mà sau này có thể mai một...".

Sản phẩm sáng tạo của một nhóm học sinh Hà Nội mang tên "Hành trình về miền di sản quan họ", website với cơ sở dữ liệu phong phú cho phép thực hiện các trò chơi tương tác như: đoán tên bài hát, đố vui có thưởng hay "Lên đồ trẩy hội", giúp người xem hiểu hơn về dân ca quan họ.

Số hóa nghệ thuật truyền thống - Ảnh 1.

Công nghệ số đã đem đến những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống một cách rất trẻ.

Em Nguyễn Minh Ngọc (Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hiện tại website này mới có tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng em dự định sẽ dịch ra nhiều thứ tiếng khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn để quảng bá rộng rãi di sản văn hóa của Việt Nam".

Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - nhận định: "Không chỉ có ý nghĩa khi mang một ứng dụng công nghệ thông tin rất hiện đại vào việc dạy học môn lịch sử, địa lý mà nó còn giống như một nguồn học liệu số. Sau khi học kiến thức thông qua website này, các em yêu hơn và thích thú văn hóa truyền thống hơn rất nhiều".

Không đơn thuần là cuộc dạo chơi của người trẻ, số hóa các dữ liệu văn hoá đang thực sự trở thành một xu thế. Tuy nhiên chỉ có đam mê và trách nhiệm tự thân của họ là chưa đủ. Hiện đa phần các dự án đang gặp khó vì thiếu hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách, đặc biệt là tình trạng thiếu bài bản, mạnh ai nấy làm.

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho rằng: "Cách thức phát triển công tác số hoá di sản ở Việt Nam, đòi hỏi sự chuẩn hoá trong các văn bản, phối hợp giữa khảo cổ, nghiên cứu và công nghệ...".

Ở một góc độ khác, khi việc số hoá cơ sở dữ liệu văn hoá "trăm hoa đua nở" mà thiếu đi vai trò của người nhạc trưởng thì sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và tâm huyết... của những người nặng lòng với văn hoá dân tộc. Đồng hành, tiếp sức cho hoạt động này là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Tin liên quan

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu số hóa bảo tàng vào năm 2024

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu số hóa bảo tàng vào năm 2024

VTV.vn - Đây là nỗi lực nhằm thu hút du khách và người dân đến bảo tàng, góp phần phát triển du lịch, kinh tế của thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.