Giữ gìn nghề mộc nơi miền Tây sông nước

Quốc Minh

06/06/2025 05:59 GMT+7

VTV.vn - Ở miền Tây, nghề mộc qua bao năm tháng thăng trầm vẫn được giữ gìn và tiếp bước từng ngày.

Nhưng trong thời đại mới, nghề xưa cũng phải đổi mới. Những người thợ mộc bây giờ đâu chỉ linh hoạt thu nhỏ quy mô hoạt động, họ còn nhanh nhạy thu gọn xuồng ghe thành mặt hàng trang trí, trưng bày.

Đó không chỉ là cách để ổn định sinh kế, mà còn để đẩy lùi nguy cơ thất truyền, mai một. Khi tiếng cưa, tiếng búa, tiếng bào, tiếng đục… còn văng vẳng bên tai thì nghề xưa vẫn còn sức sống.

Như xuồng ghe nhẹ nhàng rẽ sóng trên sông, sự chuyển hướng linh hoạt của ông Tư Khải (Xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã duy trì công ăn chuyện làm cho nhà mình, và cũng góp phần giữ lấy cái nghề đã là một phần hồn cốt đặc trưng của vùng này.

Giữ gìn nghề mộc nơi miền Tây sông nước - Ảnh 1.

Nghề mộc coi vậy chứ đâu đơn giản chỉ là nghề của những đôi bàn tay có sức. Nghề này còn cần đến ý tứ và tư duy, để biến gỗ thô - ván cứng thành những vật dụng hữu ích, bền chắc, và nhiều khi tỉ mỉ đến độ tinh xảo. Bởi đâu chỉ có đóng xuồng, đóng ghe, người thợ còn làm ra tủ, bàn, ghế, giường, chõng và biết bao thứ đồ gia dụng khác. Mỗi loại có kiểu cách và quy chuẩn riêng. Chỉ riêng các loại ghe xuồng cũng đã có rất nhiều khác biệt cần phải nhớ nằm lòng để làm cho đúng. Người ta nói mộc mà không thô là vậy!

Qua bao thời gian, người thợ mộc vẫn luôn để cây viết chì ở vị trí dễ lấy nhất khi cần. Đó không chỉ là thói quen, mà dường như là một sự sẵn sàng để làm nghề, để những âm thanh của nghề mộc còn được vang mãi trong đời sống của người dân vùng sông nước Cửu Long.

Miền Tây cũng là mảnh đất trăm nghề, bởi vậy đa số mỗi người khi lớn lên ở đây đều được dạy phải tôn trọng văn hóa, duy trì truyền thống của người trước đã tạo ra, trân quý, phát triển hơn nữa để có thể lưu giữ đời đời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.