Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

PV

10/10/2020 14:46 GMT+7

VTV.vn - Các bệnh lý thuộc nhóm không lây nhiễm (NCDs) đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ngày 9/10, Hội nghị Khoa học Bệnh không lây nhiễm (NCDs Summit) do Hội Tim mạch học Việt Nam phối hợp cùng Pfizer Upjohn  tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của hơn 600 bác sĩ, dược sĩ trên cả nước trong lĩnh vực điều trị tim mạch, giảm đau, cơ xương khớp và sức khỏe tâm thần, đồng thời cũng là chương trình đào tạo y khoa.

Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, hội nghị sẽ bàn về vấn đề bệnh lý không lây nhiễm và các hướng tiếp cận giải pháp toàn diện, giúp nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ và cải thiện sức khỏe cho người bệnh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái, Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết: "Theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới ghi nhận 56,9 triệu ca tử vong do các bệnh lý mãn tính không lây, chiếm tới 71% số ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây chết người hàng đầu, với 17,9 triệu ca, chiếm 44% số ca tử vong thuộc nhóm bệnh lý không lây nhiễm. Tới năm 2020, tỷ lệ tử vong do bệnh lý không lây nhiễm sẽ lên tới 73%, bên cạnh các gánh nặng bệnh tật chiếm tới 60%".

Ths.Bs Văn Đức Hạnh, Viện Tim Mạch Việt Nam chia sẻ: "Như TS. Quốc Thái đã nhắc đến, số ca bệnh tim mạch chưa được chẩn đoán, chưa được điều trị và chưa được kiểm soát còn rất cao trong cộng đồng. Với chương trình đào tạo này chúng tôi mong mỏi có thể giúp các bác sĩ tối ưu hóa điều trị bao gồm sử dụng statin cường độ mạnh đúng phương pháp để làm giảm thiểu được các biến cố tim mạch".

Bên cạnh các vấn đề tim mạch, bệnh lý tâm thần cũng là một thách thức sức khỏe đáng chú ý. Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia Việt Nam, cho biết: "Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bệnh và người thân của họ chính là nguyên nhân cản trợ họ tiếp cận các hình thức chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong bối cảnh bệnh lý không lây nhiễm đem lại gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng, bệnh lý trầm cảm được thừa nhận sẽ trở thành một vấn đề sức khỏe quan trọng cần đối phó".

"Nhóm bệnh lý mãn tính không lây được nhìn nhận là sẽ đem đến gánh nặng bệnh tật chiếm tỷ trọng lên tới 3/4 tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho tới năm 2030", bà Cho Yun-Ju, Phó Trưởng Văn phòng Đại diện Pfizer cho hay, đồng thời nhấn mạnh tới việc cần có các chương trình đào tạo được công nhận, các hệ thống hỗ trợ và mạng lưới chuyên môn cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế.

Hội nghị được triển khai trên quy mô rộng khắp cả nước, với 2 địa điểm chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối trực tuyến với 3 hội thảo vệ tinh tại Hải Phòng, Huế và Cần Thơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tin liên quan

Những thực phẩm giúp trẻ tránh xa đau ốm bệnh tật

Những thực phẩm giúp trẻ tránh xa đau ốm bệnh tật

VTV.vn - Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng cũng là “vị thuốc” giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tránh xa bệnh tật. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được sự quan trọng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.