Hơn nửa số bệnh viện tại Gaza hiện đang chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi nguồn cung y tế cạn kiệt.
Bé trai Hisham mới vài ngày tuổi đang nằm trong lồng ấp và phải thở máy. Sức khỏe yếu, nhưng điều khiến cậu bé đối mặt nguy cơ tử vong cao hơn là thiếu sữa công thức, khi nguồn sữa duy trì sự sống cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện này đang cạn kiệt.
Chị Seham Fawzy Khodeir - sản phụ sinh non - cho biết: "Không có sữa, và các cháu cần thuốc để khỏe hơn, để được sống. Chúng tôi đang trong tình thế khó khăn. Dải Gaza đang bị phong tỏa. Tôi chỉ biết cầu nguyện trong tình cảnh này".
Theo Cơ quan Y tế Gaza, Hisham là một trong 580 trẻ sinh non đối mặt nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng trên khắp Dải Gaza. Việc Israel duy trì phong tỏa trong nhiều ngày khiến nguồn viện trợ cho Gaza từ lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế cho khu vực này gần như bị đóng băng.
Tiến sỹ Ahmed Al-Farah - Trưởng Khoa Nhi và Sản, ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza - nói: "Tình trạng rất báo động. Trẻ sinh non cần một loại sữa công thức đặc biệt do ruột và quá trình trao đổi chất của các em còn rất nhạy cảm. Nếu những đứa trẻ không có sữa này, các bé sẽ gặp vấn đề về chuyển hóa, mất các mô mỡ và cơ, ảnh hưởng tới nội tạng và thiếu cân. Các bé sẽ phải đối mặt với một thảm họa không thể tránh khỏi".

Người đàn ông bế một đứa trẻ bị thương trong cuộc không kích của Israel tại Bệnh viện Shifa, thành phố Gaza, ngày 30/6 (Ảnh: AP)
20 thùng sữa cứu trợ đã được chuyển đến vào cuối tuần trước, nhưng con số này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cho 10 trẻ trong tối đa hai tuần. Các bác sỹ cũng lo ngại không có gì đảm bảo sẽ có thêm sữa được phép vận chuyển vào Dải Gaza.
Trẻ sơ sinh nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lệnh phong tỏa của Israel - bắt đầu từ 2/3 với lệnh cấm vận chuyển thực phẩm, nước uống và thuốc men vào Dải Gaza. Dưới sức ép quốc tế ngày càng lớn cùng những cảnh báo liên tục về nguy cơ nạn đói từ Liên hợp quốc, Israel bắt đầu cho phép lượng hàng viện trợ mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi là "tối thiểu" đi vào Dải Gaza từ ngày 19/5.
Chưa dừng lại ở đó, Cơ quan Y tế Gaza liên tục cảnh báo nguồn cung vật tư y tế và nhiên liệu tại các bệnh viện đang cạn kiệt, khi mất điện triền miên, buộc các cơ sở này phải sử dụng máy phát chạy bằng xăng dầu.
Ông Ismail Abu-Nimer - Giám đốc kỹ thuật và bảo trì thuộc Bệnh viện Y khoa Nasser ở Dải Gaza - thông tin: "Chúng tôi buộc phải cắt điện hoàn toàn một số khu vực. Chúng tôi đã lập kế hoạch giảm lượng điện sử dụng tại nhiều khu vực, nhưng vẫn duy trì điện liên tục cho khoa điều dưỡng để phục vụ bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch".
Tiến sỹ Mohammad Saqer - Giám đốc Khoa Điều dưỡng, Bệnh viện Y khoa Nasser ở Dải Gaza - bày tỏ: "Đây là một thảm họa nhân đạo. Nguồn điện hiện có chỉ đủ dùng trong vài ngày. Có khoảng 45 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, và 25 trẻ tại Khoa Nhi. Như vậy là có khoảng 70 bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu mất điện".
Đã hơn 3 tháng kể từ khi Israel bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện ở Gaza nhằm đáp trả việc Hamas từ chối đề xuất gia hạn lệnh ngừng bắn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh viện ở Dải Gaza đang phải đối mặt với những thách thức vượt quá khả năng thực tế, thiếu hụt những nguồn cung cấp cơ bản, trong khi phải tiếp nhận lượng lớn thương vong hàng loạt.
Bình luận (0)