Đa dạng hình thức xúc tiến hàng Việt Nam

Ban Thời sự

25/06/2025 06:41 GMT+7

VTV.vn - Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa là giải pháp không thể bỏ qua vì tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70% tỷ trọng GDP.

Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ các địa phương doanh nghiệp cần kết nối cung cầu vùng miền, xây dựng mô hình "Đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa"; tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng nội địa. Về hình thức xúc tiến, Thủ tướng cũng khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động xúc tiến để tiếp cận được đối tượng tiêu dùng rộng hơn.

Không chỉ doanh nghiệp, các địa phương cũng chủ động tìm đầu ra cho các sản vật đặc thù tại quê hương như kết hợp livestream bán hàng, các triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP. Các hệ thống phân phối hàng Việt cũng chủ động mở nhiều các điểm bán lưu động cho công nhân khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa để người tiêu dùng mua hàng đơn giản, tiện lợi nhất.

Không giới hạn thời gian chốt đơn, tiếp cận tập khách hàng các vùng miền khác nhau, tiết kiệm chi phí là những ưu điểm khiến livestream đã trở thành kênh xúc tiến thương mại được nhiều địa phương lựa chọn, đặc biệt với những mặt hàng yêu cầu tiêu thụ nhanh, số lượng lớn. Chốt đơn xong 20 tấn vải trong 4 tiếng livestream, thời điểm này anh Nhân đang chọn thêm các loại nông sản Đà Lạt để xúc tiến tiêu thụ cho địa phương.

Còn với các hệ thống phân phối có thế mạnh về vận chuyển và đa dạng nhà cung cấp, họ lại làm thêm các điểm chuyển hàng lưu động, giới thiệu sản vật địa phương để ngồi 1 chỗ, người dân cũng có bữa cơm đầy đủ hương vị vùng miền.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay: "Mạng lưới 800 điểm bán, hàng năm sàn có kết hợp với mùa vải ở Bắc Giang để đối lưu hàng hoá, chúng tôi cũng tự hào mình là cánh tay nối dài của người nông dân, vận chuyển hàng đặc thù của miền Bắc như trái vải vào Nam và hàng miền Nam ra phía Bắc".

"Chúng tôi kết hợp với các dự án phi chính phủ của từng địa phương từ đó song song hỗ trợ bao tiêu để sản phẩm đến tay khách hàng vừa đạt tiêu chuẩn, chất lượng hương vị mà vẫn đảm bảo được giá hợp lý trong tiêu dùng", bà Nguyễn Thị Hoạt - Phó Giám đốc Công ty Moom Food cho biết.

Các hệ thống phân phối cũng cho biết hiện nay 95% hàng hóa trên kệ là hàng Made in Vietnam. Thời gian tới họ sẽ kết hợp với Sở Công thương các địa phương thiết kế tuần hàng theo chủ đề như "Mùa vàng Tây Bắc", tuần lễ trái cây miền Tây để vừa tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, vừa là điểm nhấn quảng bá văn hóa du lịch của từng địa phương với du khách nội địa và quốc tế.

Tin liên quan

Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi

Để tăng trưởng GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi

VTV.vn - Để đạt tăng trưởng GDP 8% thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.