
Với tư duy cởi mở và khả năng làm chủ công nghệ, Gen Z đang thổi một luồng sinh khí mới vào văn hóa dân tộc. Họ không bó hẹp truyền thống trong không gian bảo tồn, mà chủ động đưa văn hóa Việt bước ra đời sống hiện đại, tiếp cận gần hơn với cộng đồng.
Chị Phạm Thị Hạnh Chi - cựu sinh viên Học viện Ngoại giao - là người sáng lập dự án Nét Việt Nam. Ra đời từ mối trăn trở trước nguy cơ mai một của những giá trị truyền thống trong guồng quay số hóa, Nét Việt Nam không đơn thuần là một dự án truyền thông, mà là một tiếng gọi từ lòng đất mẹ - tha thiết, sâu lắng và đầy tự hào.

Một số hình ảnh hậu trường các buổi ghi hình của dự án Nét Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Được kể bằng góc nhìn của những người trẻ, mỗi video trên kênh là một lát cắt sống động về đời sống văn hóa Việt. Từ làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian, ẩm thực vùng miền cho đến những giá trị tinh thần vô hình. Tất cả hoà vào thành một dòng chảy di sản - mang theo ký ức, niềm tự hào và tinh thần kiên cường của người Việt qua bao thế hệ giữa đời sống đương đại.
Không chỉ có vậy, âm nhạc dân gian - từng bị mặc định là “chỉ dành cho thế hệ đi trước” - nay đang được các bạn trẻ đón nhận rộng rãi hơn qua những bản phối đầy sáng tạo. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc dạo chơi của âm thanh, mà là hành trình khơi gợi ký ức, tái định hình bản sắc văn hóa trong tâm hồn người trẻ.
Trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống hiện đại, việc giới trẻ quan tâm và tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống dường như trở nên ngày càng đáng quý. Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng - người phụ trách không gian trải nghiệm “Ngôi nhà Thầy đồ” trong Tour đêm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là người đồng hành và dẫn dắt nhiều thế hệ trẻ qua các hoạt động văn hóa. Theo thầy, văn hóa truyền thống Việt Nam vốn đa dạng và rộng mở; mỗi người trẻ, tùy vào sở thích, năng lực và cảm nhận riêng, đều có thể tìm thấy cho mình một “cánh cửa” để bước vào và khám phá di sản văn hóa dân tộc. Chính từ những cách tiếp cận tưởng chừng nhỏ bé ấy, tình yêu nước được nuôi dưỡng và lan tỏa một cách tự nhiên, sâu sắc.
Văn hóa truyền thống Việt Nam, nhờ sức sống mạnh mẽ từ nền tảng số và sự nhập cuộc đầy đam mê của Gen Z, đang trở lại trong một diện mạo sống động hơn bao giờ hết. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Trà Ly - một sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao tỏ ra rất hào hứng: “Mình tin rằng giới trẻ hiện nay có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Chúng mình có lợi thế về công nghệ, tư duy sáng tạo và khả năng tiếp cận cộng đồng rộng lớn thông qua mạng xã hội. Nếu biết cách kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thế hệ trẻ hoàn toàn có thể thổi một làn gió mới vào văn hóa dân tộc, giúp nó gần gũi và sống động hơn trong đời sống hằng ngày.”

Bạn Trà Ly trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian tại Tour đêm Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh: Hải Phương
Không còn khoảng cách thế hệ, không còn sự dè dặt hay xa lạ, truyền thống và hiện đại đã tìm thấy tiếng nói chung - một thứ ngôn ngữ của cảm xúc, của lòng tự hào dân tộc, được thể hiện qua lăng kính sáng tạo và đầy chất thơ của tuổi trẻ.
Trong cuộc trò chuyện với nhóm phóng viên, bạn Phạm Việt Anh - trưởng ban tổ chức show âm nhạc “Trống nổi - Đổi trời” đầy tự hào chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình là đưa âm nhạc dân gian đến gần hơn với người trẻ.
Mang đến cách tiếp cận mới với dòng nhạc dân gian và các nhạc cụ truyền thống như trống, sáo, đàn bầu, dự án âm nhạc “Trống nổi - Đổi trời” đã tái hiện những âm sắc xưa cũ qua góc nhìn đương đại. Đây là cách tái tiếp cận ký ức văn hóa bằng trải nghiệm thực hành, giúp âm nhạc truyền thống không chỉ được nghe lại, mà còn chạm tới xúc cảm của người trẻ.

Một số hình ảnh từ dự án âm nhạc “Trống nổi - Đổi trời” - Ảnh: BTC chương trình cung cấp
Vừa tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang, bạn Trà My cho biết niềm tự hào lớn nhất trong đồ án “Chiêu hoa như nguyệt” của mình là có thể thể hiện tinh thần sáng tạo của người trẻ trong việc tiếp cận và chuyển hóa di sản văn hóa thành cảm hứng nghệ thuật.
Khai thác hình ảnh quen thuộc của Tết Trung thu như đèn lồng, múa lân, bánh nướng và lễ rước đèn, đồ án tốt nghiệp của tân cử nhân đại học Mở Hà Nội đã đưa những yếu tố văn hóa dân gian vào ngôn ngữ thiết kế hiện đại thông qua kết cấu trang phục, họa tiết đính kết và lựa chọn chất liệu.

Bộ sưu tập thời trang "Minh Hoa Chiêu Nguyệt" - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với chủ đề “Bừng cốt xưa - Thổi hồn nay”, các đội thi trong cuộc thi Impact của trường Đại học Ngoại thương đã mang đến cách tiếp cận kho tàng ngôn ngữ dân gian qua góc nhìn đầy mới mẻ. Những sản phẩm truyền thông được xây dựng dựa trên câu ca dao tục ngữ xưa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ hiện đại, dễ tiếp cận, góp phần thúc đẩy sự tái sinh của các giá trị truyền thống.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các nền văn hóa có cơ hội tiếp xúc và giao thoa lẫn nhau, người trẻ không chỉ bảo tồn và lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới mà còn tiếp thu và chọn lọc những giá trị tốt đẹp từ nước ngoài đưa vào trong nước.
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, thế hệ trẻ là lực lượng đáng kỳ vọng trong việc tiếp nối và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sở hữu những phương tiện và cách thức giải mã của thời đại mới để tương tác với nhân loại.
Dù xu hướng người trẻ quan tâm đến văn hóa Việt là tích cực, không ít trường hợp biến văn hóa truyền thống thành công cụ câu tương tác, sử dụng biểu tượng văn hóa trong quảng cáo mà thiếu hiểu biết.

Lớp học viết thư pháp tại Tour đêm Văn Miếu Quốc Tử Giám thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ từ mọi lứa tuổi - Ảnh: Hải Phương
Người trẻ cần hiểu rằng “sáng tạo trên nền văn hóa” không đồng nghĩa với “phá cách tùy tiện”. Văn hóa truyền thống không chỉ là “chất liệu thị giác” hay “phông nền đẹp cho dự án sáng tạo” mà đó còn là một hệ giá trị sâu sắc, có nguồn gốc, có ngữ cảnh và có tinh thần riêng biệt.
Thạc sĩ Trần Minh Ngọc - Giảng viên Học viện Ngoại giao đã chia sẻ thẳng thắn những thách thức về duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại ngày nay: “Thách thức là chúng ta đặt nhẹ việc hiểu, mà đặt nặng việc lan tỏa. Phàm là cái gì có chiều sâu thì cần thời gian, nhưng hiện nay nhiều người thích “đốt cháy giai đoạn”, không muốn tìm mà vẫn hiểu. Điều đó không thể có.”
Như vậy, văn hóa muốn “vươn xa”, trước hết cần “đào sâu”. Bắt đầu từ việc dành thời gian đọc, học, tìm tòi, tư duy để hiểu tường tận những giá trị và bản sắc văn hóa, sau đó mới có thể ứng dụng vào đời sống, biến di sản thành ngôn ngữ sống đời thường.
Ngẫu thư Nguyễn Thanh Tùng cho rằng đối với các loại hình văn hóa, dù được biểu hiện dưới hình thức nào thì quan trọng nhất vẫn là chúng ta hiểu, tự hào và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy. Riêng với các bạn trẻ, ngẫu thư Thanh Tùng nhìn thấy trong họ diện mạo mới của văn hóa, đồng thời gửi gắm mong muốn: hãy biết yêu, gìn giữ và thổi hồn vào những di sản ấy, để văn hóa không chỉ tồn tại mà còn sống động giữa cuộc đời.
Văn hóa là tài sản chung của dân tộc và nó luôn vận động, thích nghi theo bối cảnh mỗi thời đại. Người trẻ có quyền thể hiện tình yêu văn hóa theo cách riêng và làm mới nó bằng ngôn ngữ của thời đại mình, dựa trên nền tảng những giá trị truyền thống cốt lõi.
Với tình yêu bản sắc và năng lực công nghệ, người trẻ đang trở thành những người dẫn đường cho tương lai văn hóa Việt. Họ không bảo tồn văn hóa như một di sản quá khứ, mà đang viết tiếp nó trong ngôn ngữ, hình ảnh và cảm hứng của thời đại mới.
Bình luận (0)