
Công ty chứng khoán đồng loạt tăng thu nhiều loại phí
Từ ngày 1/7, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi chính thức có hiệu lực, theo đó một số hoạt động chứng khoán trước đây không chịu thuế sẽ phải chịu thuế suất 10%. Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất một thay đổi lớn về thuế thu nhập cá nhân: cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán sẽ phải nộp thuế ngay khi nhận, thay vì đợi đến thời điểm chuyển nhượng như hiện nay.
Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần xác định rõ thời điểm khấu trừ, kê khai và nộp thuế với thu nhập từ cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, nhằm tránh tình trạng kéo dài nghĩa vụ thuế và thất thu ngân sách.
Cụ thể, cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu sẽ phải nộp thuế ngay tại thời điểm nhận. Tổ chức phát hành sẽ thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế cho người nhận. Hiện tại, thuế chỉ được nộp khi cổ phiếu được chuyển nhượng, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân – đặc biệt là cổ đông lớn – chưa nộp thuế dù đã phát sinh thu nhập.
Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành tạo ra bất cập trong thực hiện nghĩa vụ thuế. “Tài sản và thu nhập của cổ đông lớn, ban lãnh đạo doanh nghiệp tăng nhưng chưa bị đánh thuế kịp thời, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế,” cơ quan này nêu rõ.
Trong giai đoạn 2016–2024, tổng số thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn là gần 52.000 tỷ đồng, nhưng thuế từ cổ tức, thưởng bằng chứng khoán chỉ đạt khoảng 1.318 tỷ đồng, chiếm 2,54%.
Trong khi đó, theo Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), cá nhân đã nhận 34,84 tỷ cổ phiếu từ cổ tức, thưởng. Nếu toàn bộ số này được chuyển nhượng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu với thuế suất 5%, số thuế phải nộp có thể lên tới 17.240 tỷ đồng – cao gấp hơn 13 lần số thuế đã thu.
Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm quốc tế từ Thái Lan, Ấn Độ – những nước đã áp dụng thu thuế tại thời điểm chi trả cổ tức, với mức thuế suất phổ biến là 10%.
Đáng chú ý, cũng từ ngày 1/7, hàng loạt công ty chứng khoán đồng loạt điều chỉnh tăng nhiều loại phí để phù hợp với quy định mới của Luật Thuế giá trị gia tăng. Trước đó, các dịch vụ như lưu ký, rút/chuyển khoản, quản lý tài sản ký quỹ... không chịu thuế, nay sẽ phải áp dụng mức thuế 10%.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), phí lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm tăng từ 0,27 đồng lên 0,297 đồng/đơn vị/tháng; phí lưu ký trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 0,18 lên 0,198 đồng/đơn vị, với mức trần nâng từ 2 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng/mã.
Phí rút lưu ký cũng được điều chỉnh từ 0,2% lên 0,22% tổng giá trị, mức tối thiểu tăng từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng, tối đa từ 1 triệu đồng lên 1,1 triệu đồng/lần.
Ngoài ra, các loại phí chuyển quyền sở hữu, phong tỏa, giải tỏa, chuyển nhượng quyền mua, xử lý hồ sơ thừa kế, biếu tặng, phát hành thẻ OTP… đều tăng thêm 10%.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết các phí dịch vụ như lưu ký, bù trừ phái sinh, quản lý tài sản ký quỹ, chuyển khoản chứng khoán… từ nay cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thông báo áp dụng thuế 10% với các loại phí lưu ký, chuyển khoản, bù trừ vị thế, phong tỏa chứng khoán tại VSDC và quản lý tài sản ký quỹ chứng khoán phái sinh.
Việc tăng thu phí cùng đề xuất thay đổi thời điểm thu thuế thu nhập cá nhân đang khiến không ít nhà đầu tư cá nhân lo ngại về chi phí giao dịch gia tăng. Đặc biệt, với những nhà đầu tư dài hạn hoặc cổ đông chiến lược nhận thưởng bằng cổ phiếu, nghĩa vụ thuế phát sinh ngay khi nhận sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính và dòng tiền đầu tư.
Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, các điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ siết chặt kỷ cương tài chính, đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế, đồng thời tăng nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước từ thị trường vốn.
Việc thực thi đồng bộ Luật Thuế giá trị gia tăng và sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán đánh dấu bước hoàn thiện chính sách thuế theo hướng minh bạch, hiện đại và tiệm cận thông lệ quốc tế.
Bình luận (0)