Với tinh thần khẩn trương, ưu tiên mọi nguồn lực và lực lượng thực hiện, công tác xóa nhà tạm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương vùng cao, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Những rào cản này không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.
Huyện Mường Khương (Lào Cai) là địa phương có số lượng nhà tạm cần xóa lớn nhất tỉnh với gần 3.800 hộ. Là huyện nghèo, vùng cao, biên giới, có xuất phát điểm thấp, Mường Khương còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mục tiêu xóa nhà tạm cũng là thách thức không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn An – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, huyện Mường Khương, Lào Cai cho biết: “Xã Bản Sen là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn tình trạng mê tín, chọn ngày, chọn tuổi. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền vận động, bà con cũng dần nhận thức ra".
Bên cạnh khó khăn khách quan về địa hình, giao thông, điều kiện xây dựng, tâm lý người dân cũng là một trở ngại. Một số hộ bằng lòng với điều kiện hiện tại, không có nhu cầu làm nhà mới. Thậm chí có hộ lo ngại khi thoát nghèo sẽ không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ nên không muốn cải thiện nhà ở.
Ông Tô Việt Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, Lào Cai cho biết thêm: “Số lượng triển khai lớn khiến áp lực nhân công tăng cao. Có thời điểm không thể thuê được thợ. Giá thuê nhân công cao, cơ sở cung ứng vật liệu khan hiếm, cự ly vận chuyển xa. Đặc biệt, với xã vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt nên chi phí vật liệu rất lớn. Có những vị trí người dân không thể làm nhà, việc chọn địa điểm xây dựng cũng rất khó".

Khó khăn còn đến từ việc thiếu vật liệu xây dựng và nhân công lành nghề trên địa bàn.
“Việc xây dựng nhiều công trình cùng lúc khiến vật liệu như gạch, đá, xi măng, cũng như nhân lực lao động đều thiếu. Tuy nhiên, bằng hình thức đổi công và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, chúng tôi đã tháo gỡ một số khó khăn. Đặc biệt, những vướng mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được nỗ lực xử lý để người dân sớm ổn định nhà ở" - Ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai chia sẻ.
Theo số liệu rà soát mới nhất của tỉnh Lào Cai, số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới và sửa chữa tăng gần 2.500 căn so với Đề án ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu do số hộ nghèo, cận nghèo biến động hàng năm; tiêu chí ban đầu đánh giá chưa sát thực tế và nhiều nhà xuống cấp sau mưa lũ.
Nỗ lực về đích đúng hạn: Quyết tâm xoá nhà tạm trước ngày 30/8
Để hoàn thành mục tiêu cơ bản xoá nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/8, các địa phương đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc – trong đó, nổi cộm là vấn đề thủ tục đất đai. Đây là rào cản lớn, đặc biệt tại những vùng có nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn ít quan tâm đến tính pháp lý khi xây dựng nhà ở.
Tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng), trường hợp gia đình chị K'Hes là một ví dụ điển hình. Dù nằm trong danh sách được hỗ trợ xoá nhà tạm, nhưng chị không đáp ứng tiêu chí về đất tách thửa, đất chính chủ do tập quán để lại đất cho con không qua thủ tục sang tên. Nắm bắt thực tế, chính quyền xã đã phối hợp với ngành địa chính hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ. Chỉ sau 10 ngày đo đạc, hướng dẫn, ngôi nhà mới đã được triển khai xây dựng trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Chị K’Hes – xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng chia sẻ: “Mình cần phải có sổ đỏ riêng để được nhà nước hỗ trợ. Mình phải tách sổ đỏ bố mẹ cho để có được căn nhà này vì gia đình rất khó khăn. Nhờ xã hỗ trợ, mình được giúp từ đầu đến cuối trong việc làm giấy tờ".
Năm 2025, toàn huyện Di Linh có 184 hộ có nhu cầu hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, theo rà soát, chỉ có 24 hộ đủ điều kiện vì có đất ở và sổ đỏ chính chủ. Có 88 hộ có đất ở nhưng chưa có sổ, hoặc chỉ có giấy tờ đất nông nghiệp. Số còn lại không đủ cả hai điều kiện trên. Địa phương đã linh hoạt vận dụng chính sách, bố trí kinh phí và đẩy mạnh giải quyết thủ tục để chuyển đổi, làm sổ cho các hộ.
Ông Hàng Dờng K’Chiến – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Di Linh cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp để giúp người dân đủ điều kiện xây nhà. Huyện uỷ chỉ đạo Mặt trận và Phòng Tài nguyên Môi trường trực tiếp khảo sát, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, giúp người dân chuyển mục đích sử dụng đất, tách sổ để có cơ sở pháp lý xây dựng nhà ở".
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025. Đến thời điểm này, kinh phí đã được chuẩn bị đầy đủ; danh sách hộ dân có nhu cầu cũng đã cập nhật. Những trường hợp vướng mắc về thủ tục đất đai sẽ được ưu tiên đo đạc, hoàn thiện hồ sơ để khởi công kịp tiến độ.

“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành hơn 1.600 căn nhà trong tổng số 1.900 căn theo nhiều chương trình khác nhau. Riêng chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đã đạt khoảng 88%. Từ nay đến 30/6, chúng tôi quyết tâm hoàn thành 12% còn lại. Mốc 30/6 cũng là thời điểm kết thúc vai trò của cấp huyện, nên chúng tôi đặt mục tiêu hoàn tất chương trình để kịp thanh quyết toán đúng quy định" - Ông Phạm Triều – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Có được căn nhà mới đồng nghĩa với việc cuộc sống người dân ổn định hơn. Người nghèo, cận nghèo vơi bớt nỗi lo chốn ở, an tâm lao động sản xuất. Nhiều người dân sau khi được hỗ trợ đều thể hiện tâm lý phấn khởi, tích cực hơn trong công việc, bởi với họ, ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn là mái ấm của cả gia đình.
Bình luận (0)