Những ngày hè với thời tiết khắc nghiệt, người ta càng nhận ra tầm quan trọng của các mảng xanh đang hiện diện trong cuộc sống. Và trước sự nóng lên toàn cầu, việc trồng rừng - giữ rừng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó cũng là mục tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Vườn quốc gia Xuân Liên là nơi có hàng trăm hecta rừng tre đang khuy (cả khu rừng biến thành xác tre khô, đất đai bạc màu, nguy cơ cháy rừng tăng cao) và rừng nghèo là đất nương rẫy cũ. Suốt hơn 20 năm qua, những khu vực này không đủ thức ăn hay nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã. Đó là lý do tại sao việc trồng rừng bằng các loài cây bản địa, đa mục đích tại Xuân Liên trở nên vô cùng quan trọng.
Cộng đồng chung tay trồng rừng ở Xuân Liên.
Trong suốt 5 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước đã và đang góp phần kiến tạo một hệ sinh thái rừng thực thụ - nơi các loài động thực vật hoang dã có thể quay trở về sinh sống, nơi hình thành những bể chứa carbon khổng lồ góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Trồng rừng Xuân Liên, còn là để bảo vệ rừng đầu nguồn của hồ thủy điện Cửa Đạt, giúp điều tiết nước tưới tiêu, đảm bảo năng xuất mùa vụ và an ninh sinh thái cho hàng triệu người dân ở lưu vực sông Chu.
Nhằm mang đến những câu chuyện còn ít người biết về thực trạng của rừng, vào ngày 5/7 vừa qua, talkshow "Chuyện rừng kể" đã được tổ chức tại Nhà Sách Phương Nam, TP. Hà Nội, với sự hiện diện của đông đảo các em nhỏ và phụ huynh. Đặc biệt, chiến dịch "Less is Green" đã được phát động, gửi gắm tinh thần: Hành trình xanh không bắt đầu từ những điều lớn lao, mà từ chính những điều "ít hơn". Với 10 túi mua sắm được khách hàng chủ động từ chối sử dụng tại một hệ thống siêu thị, sẽ góp trồng một cây xanh, mục tiêu đạt được 1000 cây để phủ xanh rừng nghèo kiệt và đất bán ngập ở VQG Xuân Liên.
"Less is Green" - Hành trình xanh không bắt đầu từ những điều lớn lao, mà từ chính những điều "ít hơn".
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình yêu thiên nhiên và môi trường.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ: "Chiến dịch 'Less is Green' không chỉ đơn thuần là lời kêu gọi tiêu dùng tiết chế, mà còn là hành động thiết thực để chuyển hoá lối sống đơn giản thành giá trị tích cực cho thiên nhiên. Bạn chỉ cần từ chối túi giấy khi mua sắm là góp được cây để trồng rừng, cho rừng cơ hội phục hồi, cho thiên nhiên được "thở". Đó là cách chúng ta cùng kiến tạo một tương lai xanh bền vững."
Bên cạnh chương trình thảo luận xoay quanh rừng, các bạn nhỏ còn được tham gia trò chơi đố vui để nâng cao kiến thức về các loại cây cối, động vật, đặc biệt là được đổi gấu bông để nhận về sen đá, góp những món quà cho các bạn học sinh vùng khó khăn.
Anh Phạm Thắng (TP. Hà Nội) chia sẻ: "Mình nghĩ việc nhỏ như mang theo túi vải khi đi siêu thị, hạn chế mua sắm đồ nhựa, hay dạy con phân loại rác cũng là những bước đầu rất thực tế. Sau buổi hôm nay, mình và bé nhà mình thống nhất sẽ bắt đầu trồng một vài cây nhỏ trên ban công nữa."
Còn em Phúc An đã có thói quen ở nhà thường tích lũy vỏ hộp sữa tươi, sữa chua để mang tới lớp cùng cô và các bạn tái chế làm đồ chơi, hôm nay em lại hiểu hơn về ý nghĩa của rừng và các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Bổ sung kiến thức về rừng qua trò chơi đố vui.
Đổi gấu bông nhận sen đá.
Dự kiến số lượng gấu bông và sách truyện thu về là 3000 chiếc mỗi loại.
Thời gian tới đây, từ 5/7 – 13/7, Tổ chức Bảo vệ Môi trường Green Life sẽ mở ngày hội "đổi gấu bông, sách truyện cũ lấy cây xanh". Toàn bộ gấu bông, sách truyện cũ thu được sau chương trình sẽ được chuyển tới tận tay các em nhỏ vùng cao - nơi có điều kiện sống còn nhiều khó khăn, gấu bông và sách truyện vẫn còn là những thú vui xa xỉ.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân nhỏ bé". Mỗi sự cố gắng thay đổi của một người cũng có thể giúp bớt tạo rác cho môi trường. Sống chậm hơn, tiết giảm hơn, để chất lượng cuộc sống tăng lên, và để mang lại lợi ích bền vững cho chính mình trong tương lai.
Bình luận (0)