
Chiều 24/6, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và một số địa phương. Sau thời gian gần 3 giờ đồng hồ công bố bản cáo trạng vụ án, đến khoảng 15h40 phút Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Toàn cảnh phiên toà. (Ảnh: Minh Vũ)
Là người đầu tiên đứng trên bục xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn thừa nhận đã nhiều lần đưa tiền cho cán bộ lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Phú Thọ nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xin chủ trương, thực hiện dự án và trúng thầu xây dựng.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hậu bị cáo buộc với 3 tội danh: Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn.
Theo lời khai, bị cáo Hậu thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vào năm 2004, đến năm 2017 thành lập Công ty Thăng Long. Dưới sự điều hành của Nguyễn Văn Hậu, hai công ty này đã thực hiện nhiều dự án lớn tại Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Phú Thọ.
Các dự án Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty Thăng Long được giao thực hiện tại Vĩnh Phúc gồm: Trung tâm thương mại Phúc Sơn giai đoạn 1,2; dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường và dự án Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng.

Bị cáo Hậu khai đã nhiều lần đưa tiền cho bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan để nhờ hỗ trợ trong việc mua lại cổ phần, chia tách doanh nghiệp liên quan đến dự án chợ đầu mối tại huyện Vĩnh Tường. Cụ thể, có một lần bị cáo đưa 20 tỷ đồng, một lần khác đưa 1 triệu USD, và hai lần riêng biệt mỗi lần 10 tỷ đồng. Tổng cộng, bà Lan đã nhận từ ông Hậu 40 tỷ đồng và 1 triệu USD.
Bị cáo còn tiếp xúc và làm việc với bị cáo Lê Duy Thành - cựu Chủ tịch UBND tỉnh và bị cáo Phạm Hoàng Anh - cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án này.
HĐXX truy vấn: "Bị cáo và bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan thì có cái việc mua bán bất động sản với nhau không".
Bị cáo Hậu trả lời: ''Lúc đó thì cái dự án chợ đầu mối khi chuẩn bị hoạt động thì rất tốt. Bị cáo hỏi chị Lan có đầu tư không? Chị Lan bảo chị có ít tiền tiết kiệm và vay mượn một ít đề đầu tư".
Sau đó, bà Lan mua khoảng 15 - 16 lô đất tại dự án này với tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng, trong đó đã thanh toán hơn 34 tỷ đồng. Do phần tiền còn lại chưa được thanh toán nên việc sang tên quyền sở hữu chưa được thực hiện.
Bị cáo Hậu trình bày trước Hội đồng xét xử rằng, là một doanh nghiệp và luôn tôn trọng khách hàng, nếu bà Lan hoàn tất việc thanh toán theo đúng hợp đồng, bị cáo sẽ thực hiện thủ tục sang tên các lô đất cho bà.
Ngoài ra, các doanh nghiệp do bị cáo Hậu điều hành còn tham gia vào hàng loạt dự án xây dựng tại các địa phương như Quảng Ngãi và Phú Thọ. Để triển khai các dự án này, bị cáo Hậu đã chủ động tiếp cận, gặp gỡ và thiết lập mối quan hệ với nhiều cá nhân là lãnh đạo chủ chốt tại các tỉnh nhằm xin chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư và thực hiện thủ tục hành chính.
Trong quá trình triển khai gói thầu tại Quảng Ngãi, bị cáo Nguyễn Văn Hậu khai đã có sự trao đổi liên quan đến lợi ích vật chất với một số lãnh đạo địa phương. Cụ thể, bị cáo Hậu cho biết đã tiếp xúc với bị cáo Cao Khoa - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và bị cáo Lê Viết Chữ - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hai bị cáo này sau đó đã giới thiệu ông Hậu gặp bị cáo Đặng Văn Minh khi đó là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời là đại diện chủ đầu tư dự án.
Bị cáo Hậu khai đã thỏa thuận chi 5% giá trị xây lắp sau thuế để được tạo điều kiện trúng và thực hiện hai gói thầu lớn là dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và Quốc lộ 1. Việc đưa tiền được thực hiện thông qua bị cáo Đặng Văn Minh - nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh và được giao trong nhiều lần, chủ yếu tại phòng làm việc của bị cáo Minh ở Quảng Ngãi và một lần tại Hà Nội.
Tại Phú Thọ, dù bị cáo khai không có thỏa thuận hay chủ trương đưa tiền cho lãnh đạo tỉnh, nhưng lại thừa nhận đã chi tiền cho nhiều cá nhân có chức vụ.
Trình bày trước Hội đồng xét xử về tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Hậu cho biết ngoài tiền mặt và vàng đã bị cơ quan chức năng thu giữ, bị cáo còn có hơn 1400 bìa đỏ đã bị kê biên. Bên cạnh đó, bị cáo khai hiện còn 884 sổ đỏ khác đang bị thất lạc hoặc đang trong tình trạng hạn chế giao dịch.
Bị cáo bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cho phép được bán 196 trong số 884 sổ đỏ nói trên để có thể khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án. Theo bị cáo Hậu, giá trị của 196 bất động sản này là đủ để bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án là hơn 1.100 tỷ đồng.
Bình luận (0)