Không để trụ sở bỏ hoang, Lào Cai chuyển UBND phường thành trường mầm non

Quý Thông

04/06/2025 06:15 GMT+7

VTV.vn - Để sắp xếp hiệu quả tài sản dôi dư sau sáp nhập, vài ngày tới, trụ sở UBND phường Bắc Cường sẽ được chuyển đổi công năng, trở thành trường mầm non công lập.

Sắp xếp hiệu quả tài sản dôi dư sau sáp nhập là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình tinh gọn bộ máy.

Trong công điện mới đây, Thủ tướng cũng nhấn mạnh xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư theo hướng điều hòa giữa từng cấp, giữa trung ương và địa phương. Tinh thần là kiên quyết chống lãng phí, đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, điều hành sau sáp nhập.

Việc sắp xếp, xử lý tài sản cũng là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá cán bộ trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Các luật liên quan cũng đang được gấp rút hoàn thiện sửa đổi theo hướng rút gọn thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương, nhưng cùng với đó, người đứng đầu các địa phương cũng cần thể hiện tính chủ động sáng tạo trong quá trình sắp xếp.

Không để trụ sở bỏ hoang, Lào Cai chuyển UBND phường thành trường mầm non - Ảnh 1.

Không để trụ sở bỏ không, tỉnh Lào Cai đã chủ động lên phương án ngay trong quá trình sáp nhập, vừa tiếp dân, vừa dọn dẹp hồ sơ.

UBND phường Bắc Cường, TP Lào Cai, đang trong những ngày cuối cùng thực hiện nhiệm vụ cũ. Vài ngày tới, trụ sở UBND phường Bắc Cường sẽ chính thức được chuyển đổi công năng, trở thành trường mầm non công lập.

Không để trụ sở bỏ không, tỉnh Lào Cai đã chủ động lên phương án ngay trong quá trình sáp nhập, vừa tiếp dân, vừa dọn dẹp hồ sơ. 151 xã phường, tới đây địa phương này sẽ giảm còn 48 đầu mối.

Sau sáp nhập tỉnh Lào Cai và Yên Bái, trung tâm hành chính sẽ đặt tại tỉnh Yên Bái. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn trụ sở cấp sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai sẽ không còn sử dụng cho mục đích hành chính cấp tỉnh.

Hiện nay Quốc hội cũng đang xem xét việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền cấp tỉnh trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Để không còn tình trạng lãng phí tài sản công dôi dư, trong giai đoạn tới đây, các địa phương cần có trách nhiệm cập nhật đầy đủ, chi tiết toàn bộ danh mục tài sản công hiện có và phát sinh sau sáp nhập lên phần mềm quản lý tài sản công quốc gia, được triển khai từ năm 2022 do Bộ Tài chính vận hành.

Từ diện tích đất, trụ sở làm việc, đến công trình sự nghiệp, thiết bị và cơ sở vật chất dôi dư tất cả phải được số hóa, minh bạch và quản lý tập trung trên một nền tảng thống nhất toàn quốc.

Những giải pháp đang được triển khai không chỉ để xử lý hàng nghìn trụ sở dôi dư sau sáp nhập, mà còn là bước chỉnh sửa căn cơ cho cả một hệ thống quản lý tài sản công vốn rườm rà, bị động bấy lâu nay.

Nếu việc quản lý tài sản công không theo kịp với thực tế hiện nay, thì các trụ sở cơ quan nhà nước bỏ hoang sẽ tiếp tục gây lãng phí rất lớn.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 11.000 nhà đất công bị bỏ hoang, không sử dụng hay sử dụng kém hiệu quả.

Dự kiến đến tháng 7 năm nay, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai, ước tính sẽ lại có thêm hơn 4.200 trụ sở công tiếp tục dôi dư. Như vậy, tổng số sẽ là hơn 15.200, một tài sản khổng lồ. Đây thực sự là bài toán đặt ra với các cơ quan quản lý.

Công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ sau sáp nhập Công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ sau sáp nhập

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các địa phương công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ sau sáp nhập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.