Là ngành có tới gần 3 triệu lao động, chiếm gần 1/4 tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp của cả nước, các doanh nghiệp dệt may được đánh giá là đang thực hiện tốt mục tiêu kép. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện chỉ có 209 công nhân được ghi nhận mắc COVID-19, trong gần 150.000 người.
Do công nhân đông nên nhiều doanh nghiệp dệt may khó thực hiện mô hình "3 tại chỗ" nhưng nhờ tổ chức đi lại, sản xuất, ăn uống và công đoàn đi chợ hộ công nhân nên nếu có 1 F0 thì chỉ phải cách ly 15 công nhân. Do thực hiện sáng tạo và linh hoạt các kịch bản nên lợi nhuận của Tập đoàn Dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với năm ngoái, góp phần đưa dệt may Việt Nam vượt qua Ấn Độ và Bangladesh đạt mức tăng trưởng 22%, chỉ đứng sau Trung Quốc với mức tăng trưởng 35%.
Mặc dù, hiện có tới 70% doanh nghiệp dệt may ở phía Nam và chiếm 35% của cả nước phải dừng sản xuất, 40% tổng số lao động phải giãn cách xã hội để phòng dịch song ngành này vẫn đặt mục tiêu. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trong tháng 9 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, bằng với năm 2019. Nếu không, cũng đạt từ 34-37 tỷ USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao 13.000 doanh nghiệp với gần 3 triệu lao động của ngành dệt may trong cả nước đã nỗ lực hết mình để vừa chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho công nhân vừa bảo vệ được sản xuất. Đây tưởng là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau nhưng từ phòng dịch bệnh tốt nên đã duy trì được sản xuất. Vì thế, trong 7 tháng qua, khu vực này đã đạt kim ngạch xuất khẩu tới 23 tỷ USD, góp phần giảm bớt nhập siêu cho nền kinh tế.
Chủ tịch nước cho rằng đây là một sự kỳ diệu của người Việt Nam, trong lúc khó khăn về dịch bệnh bủa vậy nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu biết cách tổ chức và biết cách làm việc. Từ thành công trong thực hiện "mục tiêu kép" của một ngành có tới gần 3 triệu lao động đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất nhưng Đảng, Nhà nước luôn kiên định ưu tiên cao nhất là bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Do đó, doanh nghiệp ở những khu vực có dịch bệnh nhất là tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội hãy tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe của công nhân và người lao động. Trong đó, các đảng bộ, chi bộ ở các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần lãnh đạo, chỉ đạo công việc này tốt hơn. Còn các cấp Công đoàn phải vận động công nhân và người lao động đoàn kết, bảo vệ sản xuất, thực hiện tốt các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không nghe theo sự xúi giục, kích động của các thế lực xấu.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế và chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa đến tiêm vaccine cho công nhân và lao động dệt may như đề xuất của Hiệp hội vì hiện nay, mới chỉ khoảng 1% người lao động trong ngành này được tiêm vaccine.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuộc gặp mặt các điển hình tiên tiến của ngành dệt may ngày hôm nay là sự chuẩn bị khởi đầu cho công cuộc khôi phục lại sản xuất và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước cần nghiên cứu và vận dụng cách làm sáng tạo của ngành dệt may trong thực hiện mục tiêu kép.
Bình luận (0)