
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân vụ chìm phà vào sáng sớm 3/7 (Ảnh: AP)
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas) cho biết chiếc phà KMP Tunu Pratama Jaya gặp nạn chỉ khoảng 30 phút sau khi rời cảng Ketapang (Đông Java) vào tối 2/7. Phà đang trong hành trình tới cảng Gilimanuk trên đảo Bali - tuyến đường biển dài khoảng 50 km.
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích sau vụ chìm phà. Trên phà khi đó có tổng cộng 65 người, bao gồm 53 hành khách, 12 thuyền viên, cùng 22 phương tiện, trong đó có 14 xe tải. Theo cảnh sát trưởng thị trấn Banyuwangi thuộc Đông Java - ông Rama Samtama Putra, tính đến sáng 3/7, lực lượng cứu hộ đã vớt được 2 thi thể.
Tổng thống Prabowo Subianto đã ra lệnh ứng phó khẩn cấp với vụ việc. Nguyên nhân ban đầu của vụ chìm phà được cho là do "thời tiết xấu".
Cơ quan cứu hộ địa phương tại thành phố Surabaya của Java trước đó cho biết có 61 người mất tích và 4 người được cứu nhưng không nêu rõ nguyên nhân khiến tàu bị chìm. Bốn trong số những người sống sót đã tự cứu mình bằng cách sử dụng xuồng cứu hộ của phà và được phát hiện dưới nước vào sáng sớm 3/7. Trong khi đó, nhiều người khác cũng được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh sau nhiều giờ lênh đênh giữa sóng lớn.
Lực lượng cứu hộ cho biết họ vẫn đang đánh giá xem liệu có nhiều người trên phà hơn so với thông tin ghi trên phà hay không. Ở Indonesia, số lượng hành khách thực tế trên phà thường khác với số lượng ghi trong danh sách.

Lực lượng cứu hộ đã vớt được 2 thi thể nạn nhân trong vụ chìm phà (Ảnh: AP)
Chuyến phà từ Java đến Bali mất khoảng 1 giờ di chuyển và thường được sử dụng bởi những người đi ô tô qua lại giữa hai đảo. Hiện chưa rõ liệu có du khách nước ngoài nào có mặt trên phà khi tai nạn xảy ra hay không.
Tai nạn hàng hải thường xuyên xảy ra ở Indonesia, một quần đảo Đông Nam Á gồm khoảng 17.000 hòn đảo, một phần là do tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo và đôi khi là do thời tiết xấu.
Vào tháng 3/2025, một chiếc thuyền chở 16 người đã bị lật úp trên vùng biển động ngoài khơi Bali, khiến 1 phụ nữ Australia thiệt mạng và ít nhất 1 người khác bị thương.
Năm 2022, một chiếc phà chở hơn 800 người đã mắc kẹt ở vùng nước nông ngoài khơi tỉnh Đông Nusa Tenggara trong 2 ngày trước khi được kéo ra, song không có ai bị thương. Trước đó, năm 2018, hơn 150 người đã chết đuối khi một chiếc phà bị chìm ở một trong những hồ sâu nhất thế giới trên đảo Sumatra.
Hiện giới chức Indonesia chưa công bố nguyên nhân chính thức của vụ chìm phà lần này.
Bình luận (0)