Chiến tranh thay đổi, tác động chi tiêu quốc phòng của các nước

Vân Ánh

24/06/2025 15:58 GMT+7

VTV.vn - Đâu là những nguyên nhân khiến liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới - NATO - phải tăng ngân sách quốc phòng?

Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ nhất trí rằng các thành viên sẽ tăng chi cho quốc phòng từ 2% lên 5% sản lượng kinh tế - hay còn gọi là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong ngân sách được tăng mạnh này, các thành viên NATO dự kiến sẽ chi 3,5% GDP cho các cấu phần cốt lõi của quốc phòng như quân đội và vũ khí. Họ cũng sẽ được kỳ vọng chi thêm 1,5% GDP cho các khoản đầu tư liên quan đến quốc phòng và an ninh - chẳng hạn như cải tạo đường sá, cầu cống và cảng để xe quân sự sử dụng, an ninh mạng và bảo vệ đường ống dẫn năng lượng.

Nếu quy ra tiền mặt, các quốc gia NATO đã chi hơn 1,3 nghìn tỷ USD cho các cấu phần cốt lõi của quốc phòng vào năm 2024, khi ngân sách cho quốc phòng còn ở mức cũ.

Các cuộc xung đột liên tục xảy ra, từ Ukraine cho đến tiềm lực của Nga và áp lực đối với Mỹ đã khiến nhiều nước châu Âu tăng cường đầu tư vào quốc phòng và có kế hoạch tăng thêm nữa trong những năm tới. Châu Âu cũng đang phải huẩn bị cho khả năng Mỹ quyết định rút một số quân và nguồn lực khỏi châu Âu.

Chiến tranh thay đổi, tác động chi tiêu quốc phòng của các nước - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy sản xuất đạn dược Rheinmetall ở Unterluess, Đức (Ảnh: Getty Images)

Anh một mặt cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mặt khác tuyên bố sẽ thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận quốc phòng để giải quyết các mối đe dọa, kể cả những rủi ro hạt nhân và các cuộc tấn công mạng bằng cách đầu tư vào thiết bị bay không người lái và chiến tranh kỹ thuật số, thay vì dựa vào tăng quân số, để tham gia vào các phương thức chiến đấu hiện đại.

Ông Benjamin Jensen - Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) - chia sẻ: "Nga đã chứng minh rằng họ sẽ tấn công các quốc gia thành viên NATO trên mạng bất cứ lúc nào. Vì vậy, một cuộc tấn công mở màn của Nga vào các quốc gia thành viên NATO trong tương lai, tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa hoạt động bí mật, trên mạng và mở đường cho một làn sóng tên lửa Sahed và tên lửa hành trình tầm xa.

Hiện tại, chúng ta đang ở thời điểm mà chi phí để chế tạo một đàn robot tự động, để triển khai một tác nhân AI có tư duy giúp bạn lập kế hoạch cho một hoạt động quân sự đã trong tầm tay. Và các quốc gia có thu nhập trung bình, thậm chí các quốc gia có thu nhập thấp và các nhóm cực đoan thực sự có thể mua những thứ này. Một máy bay không người lái trị giá 1.000 USD có thể tiêu diệt một máy bay trị giá hàng trăm triệu USD. Vì vậy định nghĩa về chiến tranh, có thể phải sử dụng đến các hệ thống tự động, robot và AI, để phát triển các chiến thuật và cách thức chiến đấu mới".

Các nước NATO hiện dành một phần nhỏ hơn nhiều trong sản lượng kinh tế của họ cho quốc phòng so với Nga, nhưng - xét về số tiền - thì họ lại chi nhiều hơn đáng kể so với Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 38% vào năm 2024, đạt mức ước tính là 149 tỷ USD, chiếm 7,1% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, đã dành khoảng 1,7% GDP cho chi tiêu quân sự vào năm 2024.

Tin liên quan

NATO thống nhất nâng chuẩn chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP

NATO thống nhất nâng chuẩn chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP

Tổ chức NATO lần đầu tiên đồng thuận mức chi tiêu quốc phòng cao chưa từng có, với kỳ vọng tăng cường năng lực răn đe trong bối cảnh an ninh toàn cầu phức tạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.