Cảnh giác với trầm cảm – Căn bệnh âm thầm cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm

01/07/2025 05:58 GMT+7

“Trầm cảm đáng sợ hơn cả ung thư, vì nó có thể cướp đi mạng sống của một người khoẻ mạnh bình thường một cách bất ngờ nhất.”

Có lẽ chúng ta đều đã nghe nhiều về trầm cảm. Đôi khi, nó thậm chí bị biến thành một câu đùa cửa miệng khi thấy ai đó buồn, tiêu cực: "Mày bị trầm cảm à?". Thế nhưng chỉ khi người thân, bạn bè thật sự rơi vào hố sâu ấy... và không quay trở lại, ta mới bắt đầu thấy rõ sự nguy hiểm và cấp thiết của căn bệnh này.

Tôi có một người bạn – cô gái 29 tuổi, từng du học Đức, đam mê nhảy múa, nhanh nhẹn và đầy ước mơ. Sau khi trở về Việt Nam, bạn tôi gặp nhiều biến cố, chật vật tìm việc, chia tay mối tình nhiều năm, mẹ phát hiện ung thư. Dù vậy, bạn vẫn thường xuyên đăng ảnh, trả lời tin nhắn, vẫn cười, vẫn hỏi han người khác. Rồi không ai ngờ, cô ấy lại chọn cách ra đi đột ngột và đau đớn.

Chúng tôi, những người ở lại, đau xót, bàng hoàng và dằn vặt. Phải chăng chúng tôi đã không đủ hiểu biết để nhận ra những tín hiệu kêu cứu? Phải chăng vì bận rộn, vì thờ ơ, mà không kịp ở bên khi cô ấy cần nhất?

Cảnh giác với trầm cảm – Căn bệnh âm thầm cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm- Ảnh 1.

Trầm cảm là một rối loạn cảm xúc kéo dài, khác hoàn toàn với buồn thoáng qua. (Ảnh minh họa).

"Thực sự chứng kiến nhiều trường hợp và mình hiểu, vai trò của những người xung quanh người bệnh là rất lớn, nhưng cũng chưa chắc đã đủ. Họ có thể nhận được tất cả sự giúp đỡ trên thế giới này, nhưng họ vẫn phải buông tay để về với (hy vọng là) một nơi chốn bình yên hơn. Mình mong mọi người hãy cố gắng hiểu hơn về bệnh, ứng xử tốt hơn với người trầm cảm, và cũng đừng tự trách mình quá." – chị Trần Thảo chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017, mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử do trầm cảm – con số này gấp 4 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Một phần lớn trong đó chưa từng được chẩn đoán hay điều trị vì người bệnh không chia sẻ, còn người thân không nhận biết.

Những tiếng nói từ bóng tối

Trầm cảm là căn bệnh thầm lặng. Nó không gây sốt, không chảy máu, nhưng có thể âm thầm lấy đi ý chí sống. Nhiều người mô tả nó như cảm giác bị nhấn chìm trong làn nước lạnh, không ai nhìn thấy, không ai biết mình đang vùng vẫy để sống.

Chị T.T kể: "Con trai tôi từng một lần tự tử bất thành ngay trước mặt tôi, mà trước đó không hề có dấu hiệu gì."

Với chị P.K.H - người từng mắc trầm cảm sau sinh, căn bệnh này không đến từ một biến cố, mà là hệ quả tích tụ của hơn 20 năm tổn thương tâm lý từ gia đình. "Mình từng nghĩ tại sao phải trầm cảm sau sinh? Cho đến khi chính mình trải qua nó. Nó thực sự kéo người ta vào vũng đầm lầy, mỗi lần thoát ra đều là mỗi lần thở không ra hơi, bên tai lúc nào cũng có tiếng thúc giục hãy tự tử đi thì sẽ nhẹ lòng hơn. Mỗi ngày mình phải chiến đấu không dưới 5 lần là phải sống tiếp hay kết thúc sự sống ở đây. Tệ nhất là có lúc mình muốn làm hại cả con mình, và để dừng lại suy nghĩ đó, mình phải chạy ra ngoài, tạt nước vào mặt để tỉnh lại.

Thế nhưng khi muốn tâm sự thì ai cũng cười cợt. Họ nói 'ai làm gì mà trầm cảm', 'yếu đuối quá'. Mình dần thu mình lại, vì sợ bị phán xét hơn là được thấu hiểu."

Vượt qua được trầm cảm không phải là chấm dứt. Với H., đó là hành trình dài, mỗi ngày vẫn phải chiến đấu với những cảm xúc tiêu cực.

"Thực sự thì mình không cần một lời khuyên nào hết mà cần sự cảm thông và chia sẻ. Người trầm cảm họ sợ cô đơn lắm, họ cần có người ở bên khích lệ họ. Nhưng trầm cảm là tâm bệnh, 50% vẫn phải dựa vào chính mình. Mình mong tất cả mọi người đều vững vàng tâm lí để không mắc phải chứng bệnh đó. Cho đến bây giờ mình mới thấy việc thấu hiểu chính mình và tự chữa lành quan trọng như thế nào."

Cảnh giác với trầm cảm – Căn bệnh âm thầm cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm- Ảnh 2.

Trầm cảm không phải là yếu đuối

Theo Tiến sĩ, Chuyên gia Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Thu Hiền, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, với các triệu chứng kéo dài như buồn bã, mất hứng thú, mệt mỏi, mất ngủ, khó tập trung, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Khác với sự buồn bã thông thường, trầm cảm giống như một "chiếc chăn ẩm và nặng" phủ lên tâm trí – người bệnh không thể tự phủi đi được.

Xã hội hiện đại khiến trầm cảm ngày càng phổ biến: áp lực học tập, tài chính, mạng xã hội, cô lập cảm xúc, thiếu kết nối thực sự. Nhóm tuổi từ 12–25 dễ tổn thương nhất, vì đây là giai đoạn hình thành bản sắc nhưng lại thiếu kỹ năng ứng phó. Vì vậy, việc rèn cho bản thân một tâm lý vững vàng và khả năng chống chọi với bệnh tật là rất quan trọng, đặc biệt, những người xung quanh phải có hiểu biết để giúp đỡ người bệnh đúng cách.

Cảnh giác với trầm cảm – Căn bệnh âm thầm cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm- Ảnh 3.

Người trầm cảm đã phải chiến đấu mỗi ngày, trong lặng thầm, để tiếp tục sống. Nhưng không ai có thể chiến đấu mãi một mình. (Ảnh minh họa.)

Chị V. T tâm sự: "Là một người đã từng trải qua 2 giai đoạn trầm cảm trong đời, mình may mắn hơn khi ở mỗi giai đoạn đó đã có những người xuất hiện và giúp mình vượt qua. Có những người thân thiết yêu thương mình ở bên, nhưng người giúp mình lại là những người mình chưa từng gặp mặt. Người xung quanh muốn giúp thì cần vô cùng nhiều sự hiểu biết và bao dung. Hoặc thường là những người đã từng trải qua mới hiểu và có thể thực sự giúp đỡ được. Đó là lí do vì sao những người từng vượt qua trầm cảm họ rất muốn giúp đỡ những người phải đối mặt với chứng trầm cảm tương tự. Vì họ hiểu rất ít người có thể đồng cảm thực sự và giúp đỡ được người trầm cảm."

"Môi trường sống, gia đình, bạn bè tích cực, là những yếu tố giúp bạn tốt hơn mỗi ngày. Mình đã vượt qua được nhờ kêu cứu bạn bè, gia đình, và chính bản thân đã rất cố gắng vượt qua nỗi sợ. Ngồi thiền, trồng cây, tập thể dục, trò chuyện nhiều với mọi người xung quanh, hoạt động xã hội tích cực để yêu đời và cảm thấy hưng phấn hơn, là những cách mình đã làm để cảm thấy dễ chịu." – Thu Hương, một người từng chiến đấu với căn bệnh trầm cảm bộc bạch.

Tiến sĩ, Chuyên gia Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Thu Hiền khuyến nghị:

Người trầm cảm nên:

- Viết nhật ký cảm xúc mỗi ngày để nhận diện trạng thái tâm lý

- Duy trì ít nhất một mối liên hệ tin cậy

- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày

- Giảm thời gian sử dụng mạng xã hội

- Lên kịch bản ứng phó cho những ngày tồi tệ: uống nước, nghe nhạc, mở cửa, gọi một người bạn

- Tìm sự trợ giúp chuyên môn từ bác sĩ tâm lý, trung tâm tư vấn khi cảm thấy bế tắc

Người thân có thể làm gì?

- Nhận biết sớm: con/em có dấu hiệu rút lui, mất ngủ, thay đổi tính cách, nói lời tiêu cực…

- Gợi mở nhẹ nhàng: "Có điều gì khiến con thấy không vui không?" thay vì "Sao con cứ buồn vậy?"

- Tạo không gian an toàn: "Bố mẹ chưa hiểu hết, nhưng bố mẹ sẽ ở đây."

- Giữ kết nối qua hoạt động thường nhật: ăn chung, xem phim, đi dạo – không cần trò chuyện nhiều, không ép "Ra ngoài chơi đi", "Cười cái coi!"

- Khuyến khích gặp chuyên gia: "Nếu con muốn, bố mẹ đi cùng con."

- Kiên nhẫn: trầm cảm không thể "hết" sau một cuộc nói chuyện

- Chăm sóc bản thân: người hỗ trợ cũng cần sức khỏe tinh thần

Không ai chọn bị trầm cảm. Và người trầm cảm không cần phải "mạnh mẽ hơn" để xứng đáng được yêu thương. Người bệnh cần hiểu mình xứng đáng được giúp đỡ, còn người giúp cũng không phải gồng lên hoàn hảo, chỉ cần chân thành và kiên trì. Bởi trầm cảm là một căn bệnh thực sự, âm thầm, dai dẳng và có thể gây chết người nếu không được nhận biết và hỗ trợ kịp thời.

Nếu bạn đang buồn bã mà không hiểu vì sao, nếu bạn thấy mỗi sáng thức dậy là một trận chiến, nếu bạn từng nghĩ đến cái chết, xin bạn hãy dừng lại một nhịp, và nhớ rằng: Bạn không cô đơn. Có rất nhiều người từng ở nơi tăm tối ấy – và họ đã bước ra. Bạn cũng có thể, chỉ cần một điểm neo, một bàn tay, một ánh nhìn thấu hiểu.

Nếu bạn thấy ai đó im lặng bất thường, thay đổi hành vi, hay rút lui khỏi cuộc sống… đừng bỏ qua. Một tin nhắn, một lời hỏi thăm, một bữa cơm chung, có thể là điều giữ họ lại với cuộc đời này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.