
Metonitazene ngụy trang dưới dạng những viên thuốc. (Ảnh: AFP)
Cậu nghĩ đó là thuốc chống lo âu, nhưng thực chất bên trong là metonitazene - một loại chất gây nghiện tổng hợp siêu mạnh. Hệ hô hấp của Will nhanh chóng bị tê liệt, dẫn đến cái chết tức tưởi. Cái chết của Will không phải là trường hợp cá biệt, mà là một trong hàng nghìn bi kịch đang diễn ra mỗi ngày trên khắp thế giới - hậu quả của những thủ đoạn tinh vi từ các đường dây tội phạm ma túy.
Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), những năm gần đây, tội phạm ma túy toàn cầu đang gia tăng sản xuất và phân phối các chất gây nghiện tổng hợp mới (NPS). Riêng năm 2022, đã có hơn 1.180 loại NPS được ghi nhận - con số đủ cho thấy quy mô và mức độ nguy hiểm ngày càng lớn.
Các loại ma túy thế hệ mới thường được ngụy trang khéo léo dưới dạng thuốc chống lo âu, thuốc giảm đau, kẹo ngậm, tem giấy, nước ngọt, thậm chí là dung dịch vape. Nhờ internet, đặc biệt là các "chợ đen" ẩn danh, giới trẻ có thể tiếp cận chúng chỉ bằng vài cú nhấp chuột.
Tội phạm ma túy tận dụng triệt để mạng xã hội như TikTok, Telegram, Instagram… để quảng bá trá hình các sản phẩm nguy hiểm này. Các video hướng dẫn sử dụng ma túy hoặc các thử thách "vui vẻ" được ngụy trang dưới hình thức trào lưu, khiến nhiều bạn trẻ bị dụ dỗ mà không hề hay biết mình đang bước vào "vòng xoáy chết chóc".
Không dừng lại ở đó, ma túy tổng hợp còn được đóng gói với bao bì bắt mắt, thiết kế giống như dược phẩm cao cấp. Tại một số lễ hội âm nhạc hoặc bữa tiệc của giới trẻ, các chất như ketamine, MDMA, LSD, hay các nhóm nitazene được lén lút trộn vào đồ ăn, nước uống mà nạn nhân không hề nhận ra.
Hậu quả đang hiện rõ ở nhiều quốc gia phát triển. Tại Mỹ, năm 2022 ghi nhận hơn 77.000 ca tử vong liên quan đến fentanyl và các opioid tổng hợp - con số cao hơn tổng số lính Mỹ thiệt mạng trong nhiều cuộc chiến thế kỷ XX và XXI cộng lại.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo sự gia tăng chóng mặt của các ca quá liều liên quan đến NPS và nitazene. Những bi kịch như của Will Melbourne đã trở thành câu chuyện quen thuộc tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Ireland, Estonia, Latvia, Canada, Australia và cả khu vực Bắc Âu.

Lực lượng Cảnh sát biển Ấn Độ (ICG) đã tịch thu một lô hàng khổng lồ khoảng 6 tấn ma túy được đóng trong khoảng 3.000 gói, mỗi gói 2 kg, trên một tàu đánh cá ở vùng biển Andaman, Ấn Độ, ngày 24/11/2024. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Tệ nạn này không còn giới hạn ở các vùng bất ổn như Trung Mỹ, Trung Đông hay Đông Nam Á, mà đang thâm nhập sâu vào tầng lớp thanh thiếu niên thành thị - nhóm đối tượng vốn được coi là có điều kiện tiếp cận giáo dục và chăm sóc tốt hơn.
Trước sự tấn công ngày càng tinh vi của tội phạm ma túy, nhiều quốc gia đang điều chỉnh chiến lược từ "chống cung" sang "giảm cầu" và "giảm tác hại", đặc biệt chú trọng vào phòng ngừa ở nhóm trẻ.
Tại nhiều nước, giáo dục phòng chống ma túy đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ cấp mầm non. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo trên mạng xã hội - chính nơi tội phạm gieo rắc cám dỗ - đang được triển khai mạnh mẽ. Chẳng hạn, chương trình "Friends in Focus" (FIF) của UNODC hay chiến dịch "Tương lai an toàn" của EU đã và đang tạo hiệu ứng tích cực.
Bên cạnh đó, các đường dây nóng tư vấn tâm lý, ứng dụng hỗ trợ miễn phí cho thanh thiếu niên cũng được phát triển tại Canada, Đức, Hà Lan… Mô hình Phòng ngừa Iceland (IPM) giúp học sinh nâng cao kỹ năng đối phó áp lực, tăng cường gắn kết gia đình và cộng đồng đang được nhân rộng tại nhiều trường học châu Âu.
Bình luận (0)