
Theo kế hoạch bảo trì năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam được giao với kinh phí hơn 12.800 tỉ đồng để bảo trì hệ thống đường quốc lộ.
Tăng trách nhiệm giám sát, đề xuất xử lý cá nhân, tổ chức yếu kém
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Sở Xây dựng phụ trách quản lý quốc lộ và các Khu Quản lý đường bộ I, II, III, IV yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2025.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tiến độ thực hiện hiện nay chậm, không đáp ứng yêu cầu, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhiều công trình chưa hoàn thành thủ tục thiết kế bản vẽ thi công, chưa lựa chọn nhà thầu xây lắp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung toàn ngành.
Trước tình hình đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã phê bình các Khu Quản lý đường bộ và Sở Xây dựng thuộc các địa phương chậm trễ trong công tác triển khai và giải ngân kế hoạch bảo trì.
Cơ quan này đã có văn bản phê bình và nêu đích danh 35 địa phương, đơn vị chậm trễ trong công tác triển khai, gồm: Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Hậu Giang, An Giang, Tây Ninh; các Khu Quản lý đường bộ II, III và Ban Quản lý dự án 4.
Trước tình hình trên, Cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết cho tháng 6 và 7/2025, ưu tiên ký hợp đồng, triển khai thi công và giải ngân ngay đối với các công trình sửa chữa mới. Các địa phương phải chủ động điều chỉnh kế hoạch giải ngân sát với tiến độ thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được phân bổ.
Đáng chú ý, Cục giao các Phó Cục trưởng phụ trách địa bàn theo dõi sát tiến độ, kịp thời giải quyết vướng mắc và đề xuất hình thức xử lý phù hợp đối với những đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Tăng cường quản lý dự án, không làm thay chủ đầu tư
Cục Đường bộ nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2025, Cục đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm triển khai thi công dự án trong những tháng đầu năm.
Đặc biệt, Cục thực hiện chủ trương đổi mới công tác quản lý dự án sửa chữa định kỳ, không làm chủ đầu tư, mà tập trung vào vai trò quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra và thực hiện đúng chức năng của người quyết định đầu tư.
Cơ quan này cũng tăng cường công tác giám sát các chủ thể tham gia thực hiện dự án, đặc biệt là quản lý chất lượng thi công và đấu thầu. Các cơ quan tham mưu cần thực hiện nhiệm vụ thống nhất, tập trung, rõ ràng về trách nhiệm, hạn chế tối đa tình trạng trì trệ, đùn đẩy.
Bình luận (0)