Từ ngày 1/6, việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã chính thức được triển khai với các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Đây là bước đi nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo nghĩa vụ thuế dựa trên doanh thu thực tế. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2026, sẽ có thêm một thay đổi lớn: các hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm cũng sẽ chuyển sang hình thức kê khai và nộp thuế theo doanh thu, thay vì áp dụng thuế khoán như hiện nay. Mặc dù chưa bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử ngay, nhưng việc chuyển đổi này cũng khiến hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải làm quen dần với cách tính thuế mới minh bạch hơn nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền được ngành thuế xác định là công cụ để kiểm soát doanh thu thực tế, thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, với nhiều tiểu thương, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, khó khăn lại đến từ chính điều tưởng như đơn giản như thao tác sử dụng máy, quy trình kê khai và cả chi phí đầu tư ban đầu cho phần mềm, thiết bị. Trước những băn khoăn này, đại diện Cục Thuế khẳng định, ngành thuế sẽ đồng hành cùng người dân, vừa hướng dẫn, vừa tìm giải pháp để việc chuyển đổi không gây áp lực về chi phí và đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài Chính cho biết: "Chúng tôi khẳng định rằng các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ về những chính sách thể chế tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi cũng đã xây dựng chương trình xây dựng pháp luật về luật quản lý thuế hoặc các luật chuyên ngành để nghiên cứu, đề xuất, ban hành những chính sách phù hợp".
Tại chợ truyền thống, những đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng - như mua một lạng thịt, vài quả trứng - đang khiến các tiểu thương lúng túng khi nghĩ đến việc phải xuất hóa đơn.
Tiểu thương chợ Thành Công, Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Bán có khi cả ngày cũng không bán được một gói, nên người ta mua một lạng cũng bắt người ta làm hóa đơn à?".
Tiểu thương chợ truyền thống, Thành phố Hà Nội tâm sự: "Mua con gà của người dân làm sao ai có hóa đơn cho mình? Việt Nam mình bây giờ toàn hộ dân nhỏ lẻ nuôi vài con, 50-70 con mang ra chợ bán, ai xuất hóa đơn cho mình?".
Không chỉ tiểu thương, những người sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ như hộ nuôi ong, trồng rau… cũng có chung băn khoăn. Theo đó, một số gia đình nuôi được ít mật ong trong vườn nhãn ở nhà, không thường xuyên và cũng không nhiều chỉ từ 20-30 lít/mùa hoa. Vậy phải làm như thế nào, làm sao để có hoá đơn đầu vào?
Bà Lê Thị Duyên Hải - Phó Tổng Thư ký Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nêu ý kiến: "Một số các bà các cô nói rằng, tôi mang con gà ra chợ bán, mang rau ra chợ bán, tôi làm sao có hoá đơn. Tôi khẳng định rằng, các bà các chị không phải là người phải nộp thuế, phải khai thuế cũng như phải sử dụng hoá đơn. Còn tôi sẽ lập được bảng kê, tôi mua bao nhiêu lít mật ong, mang đi chế biến hoặc đóng gói và bán. Tôi là người kinh doanh và tôi sẽ lưu giữ chứng từ mua vào của tôi bằng các bảng kê".
Theo định hướng của ngành thuế, trong những năm tới, các hộ kinh doanh sẽ từng bước chuyển từ nộp thuế khoán sang kê khai theo doanh thu thực tế. Dù chưa bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử với mọi đối tượng, nhưng việc chuẩn bị sớm - từ nhận thức, kỹ năng tới công cụ - rất cần thiết. Bởi vì, hiểu đủ để làm đúng không chỉ giúp tuân thủ pháp luật, mà còn giúp hộ kinh doanh yên tâm sản xuất, buôn bán bền vững trong giai đoạn chuyển đổi.
Bình luận (0)