Bắt 3 nghi phạm trong đường dây biến dầu thực vật chăn nuôi thành dầu ăn cho người

VA

26/06/2025 22:04 GMT+7

VTV.vn - Ngày 26/6, Công an tỉnh Hưng Yên vừa thông tin về việc triệt phá chuyên án, bắt giữ 3 nghi phạm, thu giữ trên 1.000 tấn dầu thực vật giả, nhập lậu trên toàn quốc.

Lực lượng Công an làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng Công an làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. (Ảnh: TTXVN)

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá đường dây các công ty chuyên nhập lậu dầu thực vật và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm do Đỗ Thị Ngọc Mai (42 tuổi, trú tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Nguyễn Trọng Năng (51 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) và Đặng Thị Phương (38 tuổi, trú tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là các đối tượng cầm đầu.

Sau thời gian sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện các đối tượng sử dụng thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng.

Công an Hưng Yên thông tin vụ nhập dầu thực vật chăn nuôi rồi biến thành dầu ăn cho người  - Ảnh 1.

Dầu thực vật để làm thức ăn chăn nuôi.

Theo cơ quan công an, Đỗ Thị Ngọc Mai đã thành lập 7 công ty gồm các công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi, công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thực phẩm, công ty sản xuất dầu thực phẩm đóng chai để nhập khẩu, phân phối hàng hóa trong nước và đưa ra nước ngoài.

Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước do Mai đứng tên. Các công ty còn lại do Mai nhờ người thân trong gia đình, người quen đứng tên.

Do dầu thực vật dùng để chế biến thực phẩm phải chịu thuế VAT 8%, dầu thực vật dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không phải chịu thuế VAT, Mai muốn trốn thuế VAT 8% để thu được lợi nhuận cao khi bán hàng và có giá cả cạnh tranh với thị trường.

Mai sử dụng danh nghĩa các công ty trên nhập khẩu dầu thực vật dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi về tiêu thụ, bán cho nhiều công ty trên khắp cả nước dùng làm nguyên liệu đóng chai dầu thực phẩm bán cho người tiêu dùng.

Hành vi của Mai phạm tội Buôn lậu, quy định tại Điều 188, Bộ luật hình sự. Nguyễn Trọng Năng đã thành lập hai công ty, trong đó một công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi, một công ty nhập khẩu dầu thực vật dùng làm thực phẩm.

Tương tự Mai, Năng muốn trốn thuế VAT 8% để thu được lợi nhuận cao khi bán hàng và có giá cả cạnh tranh với thị trường, Năng đã nhập khẩu dầu thực vật dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi về tiêu thụ, bán hàng nghìn tấn dầu cho nhiều công ty trên khắp cả nước dùng làm nguyên liệu đóng chai dầu thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.

Đặng Thị Phương là Giám đốc, điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food chuyên sản xuất, kinh doanh dầu thực vật đóng chai gắn nhãn hiệu Ofood.

Do muốn thu được lợi nhuận cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Phương thành lập một công ty vệ tinh chuyên nhập khẩu mua dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi, rồi dùng số dầu này để sản xuất dầu thực vật, ngoài ra Phương còn mua dầu thực vật dùng làm thức ăn chăn nuôi của Mai và Năng để sản xuất dầu thực phẩm gắn nhãn hiệu Ofood bán ra thị trường.

Công an Hưng Yên thông tin vụ nhập dầu thực vật chăn nuôi rồi biến thành dầu ăn cho người  - Ảnh 2.

Tang vật vụ án. (Ảnh: TTXVN)

Phương cho công bố thành phần của các loại dầu gắn nhãn hiệu Ofood có Vitamin A nhưng do giá thành Vitamin A đắt, Phương không bổ sung Vitamin A hoặc bổ sung lượng Vitamin A rất ít so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phương đã bán hàng chục nghìn tấn dầu thực vật gắn nhãn hiệu Ofood không đảm bảo chất lượng cho hàng trăm công ty, đại lý phân phối trên toàn quốc để bán cho người tiêu dùng.

Hành vi của Phương phạm tội Sản xuất, Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quy định tại Điều 193, Bộ luật hình sự.

Tiến hành khám xét khẩn cấp khoảng 20 công ty, đại lý phân phối nghi cất giấu, liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tạm giữ khoảng 1.000 tấn dầu thực vật có dấu hiệu nhập lậu; 50 tấn dầu thực vật gắn nhãn hiệu Ofood, nhiều tem, nhãn, số sách, giấy tờ, tài sản liên quan và dây chuyền, máy móc để sản xuất hàng giả.

Căn cứ hành vi của các đối tượng, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Đặng Thị Phương (khởi tố ngày 29/5), Nguyễn Trọng Năng (khởi tố ngày 6/6); tạm giữ đối với Đỗ Thị Ngọc Mai (ngày 12/6).

Ngoài ra, cơ quan công an xác định còn nhiều công ty, doanh nghiệp có liên quan đến đường dây tội phạm trên.

Hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ sai phạm của các đối tượng cùng các công ty, cá nhân có liên quan trên cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.