Việc vi phạm bản quyền số đang trở thành vấn đề nhức nhối khi len lỏi từ thị trường thực đến không gian mạng, từ bóng đá, điện ảnh đến truyền hình, âm nhạc. Mặc dù thời gian qua, nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn đã bị triệt phá, gần 10.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị xử lý chỉ trong tháng cao điểm đấu tranh vừa qua, nhưng theo các chuyên gia, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia tại vòng loại Asian Cắp vừa qua, bản quyền phát sóng thuộc Đài truyền hình Việt Nam, chỉ sau 90 phút, đã có 164 đường link web lậu phát sóng đồng thời
Vi phạm bản quyền số là vấn đề nhức nhối
Theo thống kê, có tới 80% vi phạm bản quyền đang diễn ra trên các nền tảng số, gây hậu quả nặng nề cho người sáng tạo, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đáng chú ý, số vụ xử lý hình sự với hành vi vi phạm bản quyền số lại rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
Lý giải về nghịch lý này, ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, hiện tại ở Việt Nam, nhận thức của người dân về việc sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền đã tăng lên, nhưng hành vi tuân thủ thì chưa đồng bộ. Nhiều người vẫn có tâm lý sử dụng miễn phí các nội dung, trong khi các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn cũng chưa thực sự hiệu quả.
"Hệ thống pháp luật hiện tại cũng đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ở góc độ thực thi, các vấn đề tuân thủ bản quyền chưa thực sự hiệu quả. Một vấn đề nữa là trên môi trường số, việc người tiêu dùng có thể tiếp cận đến các sản phẩm xâm phạm bản quyền một cách tương đối dễ dàng. Vai trò của các bên cung cấp dịch vụ trung gian hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số cũng chưa thực sự triệt để trong vấn đề giải quyết các vấn đề về xâm phạm bản quyền", ông Trung nhận định.

Ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ nội dung về vi phạm bản quyền trên các nền tảng số trong thời gian vừa qua
Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Văn bản này từng được kỳ vọng sẽ nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trung gian trong xử lý khiếu nại vi phạm bản quyền số. Thế nhưng, đến nay, nhiều quy định vẫn chỉ nằm trên giấy.
Thống kê của Cục Bản quyền tác giả, hiện cả nước có ít nhất 80 công ty kinh doanh dịch vụ trung gian, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 20 đơn vị cung cấp số điện thoại, email liên lạc để xử lý khiếu nại bản quyền. Sự chậm trễ này là do chưa có chế tài xử phạt.
Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất là âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình điện ảnh và xuất bản. Điều này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, làm công nghiệp văn hóa bị bào mòn mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Hiện cả nước có ít nhất 80 công ty kinh doanh dịch vụ trung gian, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 20 đơn vị cung cấp số điện thoại, email liên lạc để xử lý khiếu nại bản quyền
"Hiện tại có một số điểm trong thực thi liên quan đến xâm phạm bản quyền trên môi trường số, trong đó tồn tại hai yếu tố dễ đối với người vi phạm. Thứ nhất là dễ lấy cắp nội dung. Thứ hai là dễ triển khai kinh doanh từ nội dung vi phạm. Trong khi đó, cái khó lại thuộc về chính chủ sở hữu quyền và cơ quan quản lý nhà nước", ông Trung phân tích.
Theo ông Trung, việc thực thi hiện tại phải có sự đồng bộ giữa ý thức của chủ sở hữu nội dung, nền tảng số và cơ quan quản lý nhà nước. Chủ sở hữu phải ý thức bảo vệ bản quyền ngay từ đầu. Nền tảng phải có công cụ công nghệ hữu hiệu. Cơ quan quản lý cần đồng hành bảo vệ tài sản trên môi trường số. Cuối cùng là trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian cần được xác định rõ ràng.
Cần có biện pháp mạnh hơn với vi phạm bản quyền số
Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trung gian với những mốc thời gian xử lý vi phạm 24 giờ và 72 giờ. Song, theo ông Trung, muốn bảo vệ bản quyền số hiệu quả, chính chủ sở hữu phải lên tiếng và thực hiện hành vi pháp lý để bảo vệ mình.

Từ năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17 quy định rõ các đơn vị trung gian như nền tảng mạng xã hội, công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tìm kiếm, lưu trữ, nội dung cũng phải nhận khiếu nại trực tiếp từ người dùng
"Giải pháp lâu dài là nâng cao năng lực của cơ quan quản lý và nhận thức cộng đồng. Cần các chương trình đào tạo cụ thể về xử lý vi phạm bản quyền số. Ngoài pháp lý, còn phải hiểu biết công nghệ, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và nâng cao nhận thức từ học đường đến các hoạt động chuyên ngành là cần thiết", ông Trung đề xuất.
Trong môi trường số xuyên biên giới, việc bảo vệ bản quyền chưa bao giờ phức tạp như hiện nay. Nếu không có những giải pháp đủ mạnh, dự báo đến năm 2027, Việt Nam có thể thiệt hại tới 456.000 đô la Mỹ từ doanh thu bị thất thoát do vi phạm bản quyền. Một hộp sữa giả hay một gói thực phẩm giả có thể gây hại trực tiếp tới sức khỏe, nhưng một bộ phim lậu, một cuốn sách lậu cũng chính là “hàng giả” của tinh thần, bào mòn lòng tin, tri thức và sức sáng tạo của cả xã hội.
Sử dụng hàng giả là tiếp tay cho gian dối, còn tiêu thụ sản phẩm vi phạm bản quyền chính là tiếp tay cho sự tụt lùi và cho hành vi trộm cắp chất xám để trục lợi. Những tác hại này có thể không hiện rõ tức thì, nhưng sẽ âm ỉ lâu dài và rất khó bù đắp.
Bình luận (0)