
Binh sĩ Ba Lan tuần tra tại khu vực biên giới phía Đông nước này (Ảnh: LightRocket/Getty Images)
Ba Lan đã quyết định tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới dọc theo khu vực biên giới với Đức và Litva nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Cả ba quốc gia này đều là thành viên của Khu vực Schengen, cho phép tự do đi lại trên hầu hết các quốc gia trong khối.
EU đã vật lộn với cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn kể từ năm 2015, chủ yếu là do tình hình biến động ở Trung Đông và châu Phi, sau đó là xung đột ở Ukraine. Warsaw trước đây cáo buộc cảnh sát Đức đã dồn hàng nghìn người di cư trở lại biên giới Ba Lan. Một số nhà hoạt động đã tự tổ chức các cuộc tuần tra dọc theo biên giới Đức.
"Chúng tôi vẫn ủng hộ quyền tự do đi lại ở châu Âu, nhưng chỉ với điều kiện là có sự đồng thuận của tất cả các nước láng giềng nhằm giảm thiểu dòng người di cư không kiểm soát qua biên giới của Ba Lan" - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 1/7. Ông tuyên bố rằng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời cũng sẽ được thực hiện tương tự trên biên giới của Ba Lan với Litva.

Warsaw cho biết các hạn chế biên giới Ba Lan - Đức và Litva là cần thiết (Ảnh: AFP/Getty Images)
Năm 2023, nước láng giềng Đức - điểm đến hàng đầu trong EU đối với người xin tị nạn - đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tạm thời tại biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech để ngăn chặn người di cư. Hầu hết những người nhập cảnh vào Ba Lan đều đi đến Tây Âu - nơi có nhiều quyền lợi hơn cho người xin tị nạn. Kể từ đó, Berlin đã nhiều lần gia hạn các biện pháp kiểm soát.
Theo thỏa thuận Schengen, các quốc gia tham gia được phép tạm thời áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới trong các tình huống khẩn cấp, trong đó dịch COVID-19 là một ví dụ gần đây.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo vào tháng 5 rằng các chính sách kiểm soát biên giới và di cư quốc gia chặt chẽ hơn có thể dẫn đến sự hủy diệt của EU.
Bình luận về việc khôi phục quyền kiểm soát biên giới Ba Lan - Litva, ông Tusk cáo buộc quốc gia vùng Baltic này, cũng như quốc gia láng giềng Latvia, chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới lỏng lẻo. Những sai sót này được cho là đã tạo điều kiện cho người di cư bất hợp pháp vượt biên từ Belarus (không thuộc EU) và vào Ba Lan sau đó.
Từ năm 2021, Warsaw đã cáo buộc Minsk và Moscow cố tình dàn xếp dòng người di cư bất hợp pháp vào các quốc gia EU. Nga và Belarus đã phủ nhận các cáo buộc.
Bình luận (0)