Các cuộc đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đã bước sang ngày thứ 6 tại thủ đô Washington của Mỹ, trong bối cảnh hai bên nỗ lực hoàn tất một hiệp định thương mại tạm thời trước thời hạn ngày 9/7 – mốc kết thúc chính sách tạm hoãn áp thuế bổ sung của Mỹ.
Dẫn đầu đoàn đàm phán phía Ấn Độ là Thứ trưởng Bộ Công Thương Rajesh Agrawal. Theo nguồn tin của giới truyền thông địa phương Ấn Độ, trong các cuộc trao đổi, New Delhi tập trung thúc đẩy mở rộng quyền tiếp cận thị trường Mỹ cho các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đá quý – đồ trang sức, nông sản và thủy sản. Theo một quan chức cấp cao, nếu không đạt được thỏa thuận, mức thuế bổ sung 26% đã được Mỹ tạm hoãn sẽ khôi phục trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Ấn Độ.
Trong khi đó, phía Mỹ yêu cầu Ấn Độ nhượng bộ thuế trong các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, sữa, xe điện, rượu vang và hóa dầu. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực có tính chính trị cao và liên quan đến sinh kế của hàng triệu nông dân Ấn Độ, với đặc tính là nhóm sở hữu đất canh tác nhỏ, phụ thuộc vào bảo hộ thị trường trong nước. Ấn Độ cũng chưa từng mở cửa ngành sữa cho bất kỳ đối tác nào trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây.
Hai bên hiện đang hướng tới việc hoàn tất giai đoạn đầu của Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào mùa Thu năm nay, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD vào năm 2030 – tăng mạnh so với mức 191 tỷ USD hiện tại.
Theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu thương mại toàn cầu Ấn Độ (GTRI), các ngành thâm dụng lao động đang đóng góp hơn 14 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ trong năm tài chính 2024–2025, bao gồm hàng may mặc, thảm, đồ da, giày dép, đồ gốm và gỗ – phần lớn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhiệm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân ở những bang như Uttar Pradesh, Tamil Nadu, Gujarat và Tây Bengal.
Ông Ajay Srivastava, nhà sáng lập GTRI, cảnh báo nếu không có các nhượng bộ thuế thực chất từ phía Mỹ – đặc biệt là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và phụ thu đối với các mặt hàng của Ấn Độ – thì hiệp định thương mại sẽ không đủ sức thuyết phục về mặt chính trị. Ông cũng cho biết, trong tình huống hiện tại, hàng hóa Ấn Độ vẫn có thể phải chịu mức thuế 10% ngoài thuế MFN, khiến chúng kém cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác.
Ấn Độ nhấn mạnh việc cắt giảm thuế đối với các ngành sử dụng nhiều lao động không chỉ giúp tăng cường xuất khẩu mà còn hỗ trợ những mục tiêu phát triển trong nước, như thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, tạo việc làm ở nông thôn và nâng cao tỷ lệ tham gia kinh tế của phụ nữ. Nếu không có sự thỏa hiệp từ phía Mỹ, các nhà đàm phán Ấn Độ cảnh báo rằng hiệp định sẽ bị xem là mất cân bằng và khó duy trì lâu dài.
Bình luận (0)